Chúng cố gắng hoàn thành những công việc này nhưng tỏ ra khó khăn, luôn tìm cách trì hoãn hoặc “quên” công việc, thậm chí còn chống đối. Liệu cha mẹ có thể giúp trẻ hình thành tính tự giác với những công việc như vậy?
Bé Hoàng Anh (chín tuổi) ở Biên Hòa, Đồng Nai luôn tỏ ra chán nản khi hàng ngày cháu phải thực hiện công việc như rửa bát, quét nhà, nấu cơm… Cứ như vậy, điệp khúc đó không hề thay đổi. Cho đến khi chị Hương, mẹ cháu phát hiện cháu đang tìm cách chống đối thì mọi chuyện mới được giải quyết. Đó là dịp khi đang làm việc ở cơ quan, chị Hương có việc đột xuất nên phải về nhà. Chị ngạc nhiên khi thấy con trai hôm ấy hoàn thành công việc rất sớm, rồi ngồi chơi điện tử. Hóa ra, cậu quý tử của chị đã thuê một người nhặt ve chai, hàng ngày đúng 7g30 đến dọn nhà. Mỗi lần như vậy, Hoàng Anh lấy 20.000đ tiền tiết kiệm để trả công. Chị không thể chấp nhận và la mắng con. Hoàng Anh thốt lên: “Con chán lắm rồi, ngày nào mẹ cũng làm việc này liệu mẹ có thích không?”. Chị ngậm ngùi.
Ảnh: Internet
Nhiều đứa trẻ không mấy hứng thú với công việc nhà. Để trẻ hoàn thành công việc một cách tự giác, người lớn hãy thử áp dụng một số kinh nghiệm sau:
Khơi nguồn hứng thú cho trẻ. Cha mẹ nên khuyến khích trẻ sau khi hoàn thành công việc. Một lời động viên cũng là giải pháp hiệu quả, trẻ sẽ cảm thấy được đề cao và khích lệ. Cần tránh những lời nói làm cho trẻ nhụt chí hay buộc tội chúng. Bên cạnh đó cũng có thể khuyến khích trẻ bằng những giá trị vật chất có tác dụng giáo dục. Đó không phải là tiền mặt mà có thể là vật dụng giúp trẻ thích thú: một cuốn truyện, đồ chơi hay thậm chí đi viện bảo tàng, siêu thị…
Người lớn cùng tham gia. Nếu có điều kiện, thời gian đầu người lớn nên tham gia cùng trẻ, hướng dẫn trẻ cách giải quyết công việc hiệu quả nhất. Cùng trẻ tham gia nhưng không phải làm thay mà mục đích là để uốn nắn, điều chỉnh kèm theo những lời động viên, khuyến khích trẻ. Trong trường hợp có thể, chúng ta cần chấp nhận để trẻ làm sai và để trẻ biết đón nhận hậu quả. Tuy nhiên, biện pháp này cần cẩn thận.
Thay đổi công việc. Để trẻ cảm thấy thích thú với việc nhà mà không thấy buồn chán, người lớn có thể hướng dẫn trẻ để chúng tự giác thay đổi công việc. Việc nào dễ nhất, hứng thú để trẻ làm trước, miễn sao phải hoàn thành theo một thời gian nhất định. Không nhất thiết ngày nào cũng bắt con phải hoàn thành một khối lượng công việc cứ lặp đi lặp lại.
Phân công trẻ làm việc theo tính khí. Bé hiếu động là thuộc tính khí hoạt bát hoặc nóng nảy. Tâm tính của những bé này hay thay đổi, suy nghĩ thường nông cạn, hời hợt, chóng chán, làm việc thường hấp tấp, vội vàng, không chịu được hoạt động đơn điệu kéo dài. Còn mặt mạnh của những bé kiểu tính khí này là ham hiểu biết, linh hoạt, có năng lực sáng tạo với những công việc hứng thú. Cha mẹ cần quan tâm về tính khí của trẻ để có sự phân công phù hợp.
Những trẻ chậm chạp, nhút nhát là thuộc tính khí bình thản hoặc ưu tư. Trẻ có vẻ yếu đuối, hay lo lắng, buồn phiền, hay rụt rè, ít cởi mở, dễ cô đơn… Nhưng trong công việc chúng thường cần mẫn, chu đáo. Đối với các bé có kiểu tính khí này, người lớn nên phân công những công việc đòi hỏi tính tỉ mỉ, như sắp xếp phòng học của bé, sửa chữa những đồ chơi bị hỏng… Lưu ý, trẻ có thể phát triển những tính xấu như uể oải, tính ì thụ động, đôi khi còn thể hiện thái độ thờ ơ. Vì vậy, liệu pháp hỗ trợ như giúp đỡ, động viên, khen thưởng là rất cần thiết.
Hãy đối xử công bằng. Trong nhà có hai đứa trẻ trở lên thì cũng khó có sự đồng thuận. Công việc càng tẻ nhạt, càng dễ nảy sinh sự ganh tỵ nhau. Tùy vào lứa tuổi để người lớn giao việc. Không thể bắt một đứa trẻ sáu tuổi phải lau chùi sạch sẽ nhà cửa, trong khi đứa lớn hơn lại chỉ làm những công việc đơn giản như rửa chén bát, điều đó trẻ sẽ cảm thấy không được công bằng.
Để trẻ tự giác với công việc tẻ nhạt, cha mẹ cần có sự khéo léo, mềm dẻo, nắm vững tâm lý con trẻ để từ đó khuyến khích, động viên, giúp trẻ hợp tác và có trách nhiệm tích cực, phát huy tính tự giác.
PNO