1. Đó là trận chung kết cúp C1 năm 1968. Thủ môn Alex Stepney đã có một trận cầu vô cùng xuất sắc. Cùng với 2 bàn thắng của Bobby Charlton, pha rê bóng qua thủ môn đối phương của George Best, chính những pha cứu thua của Stepney đã góp công lớn trong chiến thắng lịch sử của M.U trước Benfica.
Hết trận, huyền thoại bóng đá Bồ Đào Nha Eusebio, đội trưởng của Benfica khi đó, vẫy tay với Stepney và nói một điều gì đó để ca ngợi màn trình diễn của ông và chúc mừng cho chiến thắng của M.U. Một câu nói cực kỳ ý nghĩa, bởi nó là lời chúc đầy quân tử của một kẻ chiến bại, là cuộc đối thoại giữa 2 huyền thoại bóng đá, là lời nhấn mạnh cho chiến thắng vĩ đại bậc nhất lịch sử của Quỷ đỏ.
Nhưng khi báo chí hỏi Alex Stepney rằng Eusebio đã nói gì, ông chỉ cười. Stepney chỉ nhớ rằng “Báo đen” đã vẫy tay và nói gì đó, chứ không nhớ là nói gì. “Tôi không nhớ. Lúc đó, tôi đã quá tập trung vào trận đấu”.
Cuối cùng, chính cái sự quên của Alex Stepney hóa ra lại ý nghĩa hơn câu nói vốn đã rất ý nghĩa của Eusebio. Thời điểm đó, khi trận đấu mới vừa qua đi, điều chiếm lấy toàn bộ tâm thức của Alex Stepney vẫn chỉ là trái bóng, và không gì khác. Đó chính là thứ tinh thần quý giá nhất để người ta chiến thắng, dù là trong bóng đá hay bất kỳ cuộc chiến nào của đời sống.
2. Alex Ferguson là một bậc thày tâm lý chiến. M.U là một đội bóng nói nhiều, và khả năng hướng mũi dùi đến đối phương, dù theo cách khôn ngoan hay thô lỗ thì chẳng ai bằng. Pep Guardiola mới đây cũng đã thể hiện năng khiếu trong “món” này với việc chửi bới um xùm sau trận chung kết Cúp Nhà Vua để giảm sự chú ý của báo giới đến đám học trò.
Nhưng trước cuộc đối đầu giữa M.U và Barcelona, trận đấu mà tưởng như mọi ngón nghề sẽ được sử dụng, mọi khía cạnh tốt xấu của bóng đá sẽ được phô ra, không khí lại đang có vẻ bình yên khác thường.
Trong một tuần qua, có 3 cầu thủ Barca hoặc từng là cầu thủ Barca lên báo nói về trận chung kết. Đó là Busquets, Pique và Marquez. Đều là những ý kiến chung chung kiểu “Chicharito rất nguy hiểm”, “M.U rất giàu kinh nghiệm”. Bên phía M.U, có một người lên tiếng là Vidic, hơi cao giọng hơn một chút, “M.U sẽ không chơi phòng ngự kiểu Mourinho”, nhưng cũng chẳng đến tầm tâm lý chiến.
Chỉ còn hơn một ngày nữa là trận đấu diễn ra, và đến lúc này có thể tạm khẳng định rằng họ không có ý định chơi trò tâm lý chiến. Lời nói, thứ vũ khí mà Sir Alex ưa dùng, thứ mà Pep đã dùng để góp phần đánh bại Mourinho, giờ bỗng mất giá. Trận chung kết êm đềm quá thể nếu so với những cuộc đấu Barca-Real hay M.U-Chelsea.
3. Lời nói chưa bao giờ là một phần tất yếu của bóng đá. Ở thời điểm nào đó, nó xuất hiện và góp phần làm sinh động cuộc chơi. Nhưng thứ bóng đá không có lời nói mới là thứ bóng đá trinh nguyên nhất. Những tâm thức không có lời nói mới là thứ tuyệt đỉnh quý giá của những người đá bóng. Như Alex Stepney của năm 1968.
Trước cơn bão sắp đổ ập lên Wembley, người ta nhận ra một khoảng lặng tương đối. Ở khía cạnh nào đó, sẽ có người tin rằng như thế thì cuộc đối đầu kinh điển sẽ mất hay đi. Nhưng nó đồng nghĩa với việc những cái đầu đang làm việc hết công suất. Thay cho lời nói đang là những sơ đồ, những hướng tấn công và những đường chuyền. Với khoảng lặng ấy, màn trình diễn tại Wembley đang trở nên hứa hẹn hơn bao giờ hết.
BongdaPlus