Quỹ thời gian 3 tháng còn lại tưởng dài mà thực tế lại ngắn, vì đằng sau nó là vô vàn vấn đề phải lo. "Nóng" nhất vẫn là chuyện nhân sự...
Từ chuyện "đi hay ở" của Lê Công Vinh
Phong độ xuất sắc của cựu Quả bóng vàng VN trong nửa cuối mùa giải khiến tên tuổi của anh lại trở thành món "hàng hot" đối với nhiều CLB. Ai cũng biết, có được ngôi sao như Vinh, đội bóng không chỉ giải quyết được vấn đề chuyên môn (gia tăng sự sắc bén của hàng tấn công) mà còn có thể kéo được nhiều hơn khán giả tới sân, thương hiệu của nhà tài trợ cũng được nhắc đến nhiều hơn... Bởi vậy, không phải tự nhiên mà tương lai của Vinh đã được báo chí nhắc tới rất nhiều trong vòng 2 tuần qua. Một số đông quả quyết rằng Vinh đã chọn con đường "Nam tiến" (để chơi cho Navibank Sài Gòn hoặc Sài Gòn Xuân Thành - những đội nhà giàu mới nổi của bóng đá VN), để vừa được gần "một nửa" của anh - ca sĩ Thủy Tiên, vừa thay đổi môi trường. Nhưng lại có những nguồn tin khác theo 2 hướng chính. Một là, Vinh có thể ở lại với Hà Nội T&T, nơi bầu Hiển (người từng ngỏ ý muốn Vinh gắn bó với CLB đến... trọn đời) sẵn sàng bỏ ra những khoản lót tay khổng lồ cùng vô vàn ưu đãi khác. Hai là, Vinh sẽ đầu quân cho một CLB nước ngoài, như Sparta Praha (CH Séc) hay Muang Thong United (Thái Lan). Nhưng có vẻ Muang Thong là địa chỉ hấp dẫn hơn vì không chỉ gần gũi, môi trường không quá khắc nghiệt mà ở đấy còn có ông thầy cũ Calisto, kèm theo mức lương "khủng" khoảng 10.000 USD/tháng.
HLV Calisto đang muốn Công Vinh khoác áo CLB Muang Thong United
Tuy nhiên, lựa chọn an toàn nhất với Vinh hiện vẫn là ở lại HN.T&T hoặc vào chơi cho một đội của TPHCM. Dư luận thì đàm tiếu: Việc xuất hiện thông tin đa chiều về khả năng "đi-ở" của Vinh thực chất là một chiêu để "làm giá". Và có thể dự đoán, nếu một CLB nào đó muốn có chân sút nội số 1 Việt Nam ở thời điểm hiện tại, số tiền lót tay có thể phải lên tới 15-20 tỷ đồng, tiếp tục là kỷ lục mới của làng bóng Việt (đối với cầu thủ nội)!
Tới cuộc đua ngầm của Hà Nội T&T và Becamex Bình Dương
Bên cạnh việc tiếp tục duy trì cơ hội giữ chân Công Vinh, bầu Hiển và "bộ tư lệnh" của ông đã rất thành công khi buộc tiền đạo Samson (mùa trước khoác áo Đồng Tháp) phải từ bỏ giấc mơ chơi bóng tại châu Âu để quay về thi hành bản hợp đồng đã trót "bút sa" với HN.T&T. Khoản tiền bồi thường lên tới 2 triệu USD (hơn 40 tỷ đồng) mà HN.T&T khăng khăng "không bớt một đồng" quá lớn với khả năng của chân sút người Nigeria này. Rút cục, thay vì trở thành người của Atletico Madrid, Samson Kayode đã phải quay lại Việt Nam chính thức ký hợp đồng 3 năm chơi bóng cho HN.T&T. Chưa hết, để chắc cú, HLV Phan Thanh Hùng còn mời luôn cả "sát thủ" người Argentina - Lucas Cantoro (từ HN.ACB). Có thêm 2 chân sút lợi hại bậc nhất V.League này, chưa cần tới sự hiện diện của Công Vinh, đội bóng Thủ đô cũng sẽ tiếp tục có hàng tấn công rất đáng sợ ở mùa giải tới.
Nhưng Becamex Bình Dương cũng chẳng chịu kém cạnh. Họ đã nhanh tay lấy về tiền đạo Việt Thắng (từ V.Ninh Bình). Theo đó, chân sút trưởng thành từ "lò" Công an TPHCM này đền bù hợp đồng (còn lại 1 năm) trị giá 2,5 tỷ đồng cho V.NB để được thành người tự do. Được biết, bên cạnh khoản hỗ trợ tiền đền bù trên cho Thắng, B.BD còn bỏ ra thêm 5 tỷ lót tay nữa để có được tuyển thủ QG này. Không chỉ tăng cường sức mạnh hàng công, B.BD còn gia cố hàng phòng ngự bằng việc chiêu mộ Nguyễn Hoàng Helio (từ SLNA) - cầu thủ gốc Brazil đã nhập tịch Việt Nam. Như vậy, cộng thêm việc sẵn có tiền đạo nội "ngoại nhập" Huỳnh Kesley Alves, B.BD sẽ có thể đưa ra sân cùng lúc 5 ngoại binh một cách hoàn toàn hợp lệ. Trước đó, CLB này đã thử việc cả chân sút Udo Fortune (Nigeria), đương kim vua phá lưới của giải VĐQG Indonesia vừa qua nhưng chưa rõ khả năng có gọi trung phong này sang hay không.
Nhưng vẫn tiềm ẩn những "quả bom tấn"
Vissai Ninh Bình có vẻ chậm chân khi để mất Việt Thắng. Tình hình nhân sự của đội càng đáng ngại hơn khi trung vệ Như Thành "biến mất" một cách khó hiểu mà theo giải thích của một số nguồn tin là do anh này bị các chủ nợ bám quá sát (?). Không loại trừ khả năng V.NB sẽ chấp nhận bỏ luôn Thành để ổn định được tâm lý của toàn đội. Mất 2 tuyển thủ trụ cột này, sức mạnh của đội bóng cố đô Hoa Lư sẽ sút giảm đáng kể.
Nhà vô địch châu Âu năm 2004-Charisteas sẽ đặt chân đến V-League?
Tuy nhiên, người ta đã bắt đầu kháo nhau về khả năng bầu Trường sẽ tung ra 1-2 hợp đồng dạng "bom tấn" trong thời gian tới để vực dậy tinh thần toàn đội. Cú tăng tốc cực kỳ ngoạn mục cuối mùa giải 2011 (giúp V.NB chạm đích ở vị trí thứ 4 chung cuộc!) đã củng cố niềm tin vào khả năng có thể tranh đoạt ngôi cao nhất V.League nếu V.NB đảm bảo được tâm lý và thực sự đồng tâm hiệp lực vì một mục tiêu chung. Trước mắt, đã manh nha khả năng V.NB chiêu mộ cầu thủ xuất sắc nhất tại Euro 2004 - tiền đạo mang biệt danh "lưỡi dao" - Charisteas (tuyển Hy Lạp). Năm nay 31 tuổi, Charisteas từng là nhân tố quan trọng trong chiến thắng kỳ diệu của ĐTQG Hy Lạp tại Euro năm ấy với lối chơi tràn đầy sức mạnh và khả năng dứt điểm chớp nhoáng. Tháng 7/2011, Charisteas rời Schalke 04 (Đức) sau một nửa mùa bóng chơi không thành công tại Bundesliga để ký hợp đồng 1 năm với CLB Panetolikos (Hy Lạp). Nếu thương vụ thành hiện thực thì đây sẽ là cầu thủ đẳng cấp thế giới thứ 2 sang thi đấu tại VN sau siêu sao Denilson của Ximăng Hải Phòng hồi năm 2009.
Nhắc tới bóng đá Hải Phòng, cần nhấn mạnh rằng sau khi trụ hạng một cách đầy may mắn (trong đó có cả sự trợ giúp của các trọng tài), Vicem Hải Phòng rất cần một cuộc cải tổ để có thể nhắm tới những cái đích cao, không phí hoài cái "chảo lửa" Lạch Tray cũng như sự cổ vũ vô cùng cuồng nhiệt của đông đảo khán giả hâm mộ mà rất nhiều CLB khác tại V.League phải thèm muốn. Sự trở lại và tham gia tích cực rất kịp thời của ông bầu Lê Văn Thành (với "gói giải cứu" lên tới 10 tỷ đồng) ở cuối mùa chính là dấu hiệu cho thấy, V.HP tuy có thể khá âm thầm, nhưng hoàn toàn có thể bất ngờ tung ra một vài bản hợp đồng "chịu chơi" (như chất của người đất Cảng?) khiến làng bóng đá phải sững sờ!
Một mối lo chung
Việc Hòa Phát HN bất ngờ "nói là làm", từ bỏ bóng đá khiến dư luận không thể không xôn xao, phần nhiều cho rằng bầu Kiên và một số thương nhân làm bóng đá khác cũng có thể hành động tương tự nếu cơ quan đầu não VFF không sớm đưa ra cách giải quyết xác đáng đối với những bất cập hiện tại. Mới đây, đích thân chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ đã lên tiếng, khẳng định vai trò không thể thiếu của các doanh nghiệp trong công cuộc xã hội hóa và chuyên nghiệp hóa BĐVN. Thay mặt Liên đoàn, ông cũng bày tỏ thái độ cầu thị và sẽ cố gắng sửa đổi để khắc phục những mặt tồn tại...
Trước mắt, nhiều khả năng trưởng BTC giải Dương Nghiệp Khôi và chủ tịch Hội đồng TT Nguyễn Văn Mùi sẽ không tham gia mùa giải 2012 với vị trí tương tự nữa. Việc nền bóng đá VN đang xoay sở trong một "chiếc áo chuyên nghiệp" rộng thùng thình đã quá rõ. Vấn đề là vẫn cần các bên cùng nhau hợp tác để giải quyết mối lo chung hiện hữu này, thay vì một số cá nhân cố gắng bảo vệ cái tôi sĩ diện cá nhân của mình!
PL&XH