Anh Thư (trái) trong hành trình khám phá Quảng Ngãi
Với Yến Đông — hạnh phúc đơn giản là tìm thấy hạnh phúc chính mình trong hạnh phúc của người khác!
1. Đến giờ, Yến Đông (18 tuổi, cựu học sinh trường Marie Curie, Q.3) cũng không ngờ mình có thể tạo ra niềm vui cho người khác chỉ bằng một lời đề nghị chụp ảnh. Một ngày chẳng biết làm gì, cô bạn vác máy ảnh ra đường… chụp dạo. Đến thương xá Tax (Q.1), bạn đề nghị được chụp cùng một người đàn ông một tấm ảnh lưu niệm. Người đàn ông hơi ngỡ ngàng nhưng cũng vui vẻ nhận lời. Đúng một năm ba tháng sau, cô bạn gặp lại người đàn ông ấy trong… lớp luyện thi với vai trò thầy giáo. Khi đó, Đông mới biết mình đã tạo ra một sự thay đổi “lịch sử” đối với người mà bây giờ Đông gọi là thầy. Do quá bận rộn với công việc, thầy chưa bao giờ đưa gia đình đi chơi hoặc chụp ảnh cùng. Chính lời đề nghị chụp ảnh của Đông làm thầy “sực nhớ” đến điều này — một biểu hiện được em là thiếu quan tâm, dẫn đến chuyện gia đình thầy thường xuyên có những mâu thuẫn nho nhỏ. Sau cuộc gặp gỡ tình cờ với Đông, thầy đã quyết định đưa cả gia đình đi Đầm Sen chơi đùa, chụp ảnh thỏa thích, tình cảm gia đình cũng được hâm nóng trở lại. Cô bạn đã chia sẻ niềm vui của mình trên Facebook: “Hạnh phúc đơn giản chỉ là tìm thấy hạnh phúc của mình trong chính hạnh phúc của người khác”…
Chuyến đi đến những miền đất mới sẽ là cách giúp bạn "nghĩ mới" về chính mình!
2. Với Anh Thư (16 tuổi, Q.4), cuộc hành trình gần 25km trên biển để đến với Lý Sơn — hòn đảo tiền tiêu của Tổ quốc đã có một cuộc thay đổi ngoạn mục trong suy nghĩ của bạn. Đó là lần đầu tiên, bạn “lênh đênh” giữa biển khơi lâu như thế. Tận mắt nhìn thấy những khó khăn của người dân trên đảo (điện chỉ được xài tới 10 giờ, thiếu thốn nước sạch, đường sá nhỏ hẹp, thiếu phương tiện đi lại, cuộc sống bấp bênh) rồi nghe những câu chuyện về sự kiên cường bám biển để bảo vệ chủ quyền của người dân, Thư cảm thấy mình may mắn và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lần đó, Thư đã gặp một bà cụ bên dưới chân núi Hòn Tai. Bà kiếm sống bằng “nghề” xin chai nước đã dùng xong của khách du lịch. Dưới cái nắng chói chang, bà nhấc từng bước chân trên những bậc thềm đá dẫn lên đỉnh núi không một lời than thở. Bà bảo, còn sống thì ráng sức một chút, phụ được con cái đồng nào hay đồng nấy. “Bà cụ leo được, sao mình lại không?”, Thư tự động viên mình trước khi bắt đầu hành trình chinh phục đỉnh núi cao, và chính cuộc gặp gỡ này đã giúp bạn đứng hiên ngang trên đỉnh núi, ngắm toàn cảnh đảo Lý Sơn thơ mộng và kiên cường giữa biển khơi. “Mình vốn là người hay nản, dễ bỏ cuộc nhưng sau chuyến đi này, có lẽ mình sẽ thay đổi”, Thư chia sẻ.
3. Minh Châu (du học sinh tại Mỹ) lại quyết tâm tự thay đổi trong khi chờ mọi thứ thay đổi. Mọi chuyện bắt đầu từ khi Châu tham gia vào một câu lạc bộ vì môi trường tại trường chuyên Lê Hồng Phong. Khi ấy, câu lạc bộ hoạt động rất èo uột dù các thành viên tham gia đều rất nhiệt tình. Không để tình trạng này kéo dài, Châu quyết định thay đổi cách thức hoạt động để thu hút đông đảo teen yêu môi trường tham gia. Thế là, bạn đề xuất làm túi nilong bán gây quỹ. Mô hình lập tức gây được tiếng vang khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông cũng như trong các triển lãm về môi trường tại Cung Văn hóa Lao động, Nhà Văn hóa Thanh Niên… Cũng từ đó, Châu được dịp kết nối với các tổ chức tình nguyện vì môi trường, các tổ chức quốc tế của giới trẻ, để học hỏi kinh nghiệm, vận dụng vào hoạt động của câu lạc bộ. Kết quả, câu lạc bộ không chỉ hoạt động sôi nổi hơn mà bản thân Châu cũng rèn cho mình kĩ năng lãnh đạo, tổ chức công việc, làm việc nhóm. Chính điều đó đã trở thành “điểm sáng” trong hồ sơ xin học bổng du học của cô bạn đang là sinh viên Đại học Chicago này. Chia sẻ với các bạn những câu chuyện này, Mực Tím tin rằng, chính bạn có thể tạo nên những sự thay đổi lớn lao bắt đầu từ những trải nghiệm của chính mình. Chỉ cần bạn dám tin và dám “nghĩ mới!”
Mực tím