Bộ phim “Tây du ký” phiên bản năm 1986 là một bộ phim truyền hình vô cùng kinh điển, có thể nói là bộ phim truyền hình thành công nhất trong lịch sử điện ảnh của Trung Quốc. Khi ấy, điều kiện quay phim khó khăn, kỹ thuật cũng không hoàn thiện, thế nên tất cả những cảnh phim đều được thực hiện dưới phương thức ghi hình thật. Vì thế, đoàn làm phim phải đi khắp nơi trong cả nước Trung Quốc để ghi hình. Chỉ vỏn vẹn 25 tập phim, thế nhưng lại quay mất 6 năm. Tuy nhiên, cũng nhờ có sự gian khổ, tâm huyết của đoàn làm phim mới có được tác phẩm kinh điển như ngày nay.
“Tây du ký” kể về câu chuyện đi lấy kinh ở Tây Thiên của 4 thầy trò Đường Tăng. Trên đường đi, họ gặp phải biết bao yêu ma quỷ quái. Đương nhiên, yêu quái cũng có phân biệt nam nữ, những yêu quái nam thì đều muốn ăn thịt Đường Tăng để được trường sinh bất lão, còn yêu quái nữ hoặc là muốn ăn thịt Đường Tăng, hoặc lại có người muốn lấy Đường Tăng làm chồng. Khi ấy, dung mạo của các diễn viên nữ quả thực là mỗi người một vẻ, trong thời đại không có kỹ thuật chỉnh sửa như ngày nay, nhan sắc lên hình hoàn toàn đều dựa vào diện mạo trời sinh.
Thời gian quay “Tây du ký” còn khá sớm. Thời điểm ấy, quan niệm của xã hội vẫn còn khá bảo thủ. Việc quay phim khi ấy cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là trong cảnh nhền nhện tinh. Trong quá trình quay phim, đoạn phim này cần phải mặc áo hở rốn nhưng các diễn viên lại ngại vì nó quá hở hang, không đồng ý quay. Cuối cùng đạo diễn đã khuyên họ mặc thêm áo màu nude để tiến hành quay phim.
Thế nhưng thực tế khi quay phim lại gặp phải một vấn đề khác, khi tới đoạn nhền nhện tinh nhả tơ phải có một màn quay cận cảnh nhưng như vậy thì lại làm lộ ra việc mặc áo màu nude. Đạo diễn Dương Khiết lại phải đau đầu suy nghĩ, cuối cùng nghĩ ra được một cách, đó chính là để các nam diễn viên đóng thế đoạn đó. Khi quay những cảnh quay xa thì sẽ để các nữ diễn viên mặc áo màu nude đóng, còn khi đến đoạn quay cận cảnh thì sẽ để các diễn viên nam đóng thế, như vậy đã giải quyết vấn đề này một cách hoàn hảo. 30 năm sau, trong một lần trả lời phỏng vấn, đạo diễn Dương Khiết đã tiết lộ bí mật này, khán giả vì thế mới chợt nhận ra, hóa ra suốt 30 năm đã bị lừa.
Tuy nhiên, từ điểm này chúng ta cũng có thể nhận ra, việc quay bộ phim này khi ấy quả thực rất khó khăn, những cảnh quay mà chúng ta nhìn có vẻ nhẹ nhàng thoải mái ấy lại đều cần dùng rất nhiều loại thủ thuật, những chiêu mẹo che mắt khán giả để làm ra. Những cảnh quay đánh nhau của thần tiên với yêu quái đều được treo bởi một sợi dây cáp nhỏ, mỗi một lần bay lên, trên người các diễn viên đều bị bầm tím, thậm chí là chảy máu. Ngoài ra còn có việc di chuyển ống kính, việc di chuyển ống kính ngày nay đã vô cùng tiện lợi nhưng vào thời điểm ấy, mỗi một cảnh quay điều cần tổ quay phim tỉ mỉ tìm kỹ thuật và góc quay, huống hồ là quay cả một bộ phim như vậy.
Sau này có người còn tiết lộ rằng, trong khi quay phân đoạn nhền nhện tinh cũng đã dùng các nam diễn viên để đóng thế. Nhưng điều này là điều chúng ta hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng cho dù thế nào, “Tây du ký” vẫn là một tác phẩm kinh điển gắn liền với tuổi thơ trong lòng nhiều người, là món ăn tinh thần không thể thiếu sau những giờ làm việc và học tập căng thẳng.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)