Tới nay, gần như mọi đội bóng gây thất vọng đều có vấn đề về quản lý nhân sự, điển hình là V.HP. Mất trục xương sống trải đều ở 3 tuyến gồm Minh Đức, Leandro và Ngọc Thanh, khả năng chuyên môn suy yếu khủng khiếp. Tuy nhiên thất bại của đội bóng đất Cảng mà đỉnh cao là trận thua 0-5 trên sân của HN.ACB là do công tác quản lý. Không có tiền và không có khả năng tuyển mộ ngôi sao đã đành, những cầu thủ hiện tại cũng chẳng đoàn kết với nhau. Osas bị chấn thương, Ukonu trình độ quá hạn chế, vậy mà Aniekan vẫn liên hệ với đội bóng khác và có thái độ thi đấu không đúng mực để sớm được ra đi. Nội binh cũng gầm ghè, thậm chí đã “động thủ” với nhau. Thế nên, để thành công hơn ở giai đoạn 2 và giành quyền trụ hạng, nâng cao khả năng quản lý nhân sự cũng nên được coi trọng như công cuộc tiếp máu cho chặng đường quyết định.
Không nhiều người còn tin vụ Chí Công bị chém là do nhầm lẫn vì thực tế có rất nhiều chuyện hậu trường của đội B.BD được phanh phui. Theo đó, rất nhiều trụ cột đang ôm một món nợ rất lớn - hậu quả bắt đầu từ World Cup 2010 tới bây giờ. “Bị khủng bố tinh thần” qua những cuộc gọi, những tin nhắn, các nạn nhân rơi vào tình trạng mệt mỏi, tập luyện uể oải, thi đấu yếu ớt, mất tập trung. Không ít những trận đấu, HLV Ricardo đã phải thay cả 3 trụ cột ra. Đó là chưa kể tới tình trạng “nhốt nhiều hổ vào chung một chuồng”. Thế nên mới có chuyện sau thất bại trước HP.HN để chính thức góp mặt trong nhóm có nguy cơ xuống hạng, HLV Ricardo đã cay đắng thừa nhận rằng: “Tình hình thế này, có 10 Jose Mourinho cũng chịu”.
“Ngựa chứng” Samson đang khiến CS.ĐT khốn đốn
Không chỉ quản lý con người, quản lý giờ giấc, lãnh đạo các CLB còn phải quản lý được tư tưởng của mỗi cầu thủ, nhất là ngôi sao bị nhòm ngó. CS.ĐT đang phải trả giá cho điều đó. Phần đông, quân Đồng Tháp hiền lành nên công tác quản lý nhân lực chưa thực sự là vấn đề và Samson đã dành cho họ 2 bài học đau đớn cách nhau khoảng 4 tháng.
Có Samson, họ đánh bại nhiều đại gia để dẫn đầu BXH trong nhiều vòng đấu. Thế nhưng, vẫn không thể tảng lờ khoản tiền lót tay, mức lương, thưởng khủng từ các đại gia, ngôi sao người Nigeria này bắt đầu quậy mà đỉnh điểm là chiếc thẻ đỏ sau tình huống “liên hoàn cước” vào người Châu Phong Hoà (V.NB). Hậu quả, Samson bị treo giò 2 trận cùng án phạt cấm thi đấu 5 trận nữa. Vắng mặt 7 trận không chỉ là nỗi đau của tiền đạo đáng sợ nhất V.League mà CS.ĐT cũng nhận thất bại ngay lập tức.
Ở khía cạnh trái ngược, những đội bóng thành công hoặc vẫn đang gây bất ngờ là những CLB quản lý tốt về nhân sự, cả về con người lẫn tư tưởng. Về tiền bạc, SLNA không giàu nhất V.League, thậm chí chỉ thuộc diện “thường thường bậc trung”. Họ cũng chẳng có nhiều ngôi sao như các đại gia như B.BD, HN.T&T, N.SG, SHB.ĐN... Nhưng đội bóng xứ Nghệ có tập thể mạnh nhất V.League 2011, ít nhất là hết giai đoạn lượt đi. Họ chiếm ngôi vị số 1 sau 13 vòng đấu với hàng loạt những cái nhất, đều liên quan đến con số 9 (9 chiến thắng, chuỗi 9 trận bất bại và 9 cầu thủ ghi bàn).
Kém hơn về điểm số nhưng không kém hơn về độ ấn tượng là Thanh Hoá - đội bóng nghèo, vắng ngôi sao vào nhất V.League 2011 nhưng họ đang đứng ở vị trí thứ 4, trên những cái tên đình đám như V.HP, B.BD, ĐT.LA, HAGL, V.NB, N.SG… Bất ngờ hơn, đội quân do HLV Lê Thuỵ Hải dẫn dắt đang là CLB ghi bàn thắng nhiều thứ 2 V.League (sau SHB.ĐN) và sở hữu tay săn bàn nội tốt nhất - Hoàng Đình Tùng (7 bàn).
Rõ ràng ở Thanh Hoá và SLNA, trình độ quản lý nhân sự là cái gốc của thành công.
BongdaPlus