Cùng tìm hiểu xem nhưng sơ đồ nào đã đưa ông tới thành công.
Mourinho nổi danh nhờ 4-3-3, điều này không sai khi quãng thời gian tại Chelsea đã đưa tên tuổi của ông đến với toàn thế giới với công thức chiến thắng đó. Còn nhớ khi ở Porto, khi có trong tay một Deco đang trên đường trở thành một siêu sao, Mou không ngần ngại bố trí một chiến thuật xoay quanh tiền vệ gốc Brazil này: 4-2-3-1. Với Derlei lực lưỡng, ông hài lòng nơi tuyến đầu; với Carlos Alberto, Alenichev hai biên của Porto có nhiều những pha bóng kĩ thuật và những tình huống tạt bóng chính xác; còn với Maniche, Costinho, Valente, Ferreira, Carvalho, Jorge Costa, Baia ở hậu phương Mourinho có trong tay hàng thủ cứng của đội tuyển Bồ Đào Nha khi đó.
Với sơ đồ 4-3-3, Jose Mourinho đã biến Chelsea trở thành một cỗ máy hoàn hảo.
Khi tới Chelsea, sở hữu trong tay 4 tiền đạo giỏi là Kezman, Drogba, Mutu, Gudjohnsen ông đã chuyển sang sơ đồ 4-4-2 mới mẻ với chính ông nhưng quen thuộc với Chelsea thời Ranieri và chỉ tới khi Mutu bị treo giò vì ma túy còn Kezman sa sút phong độ thấy rõ, Mou mới có dịp “bổn cũ soạn lại” với sự điều chỉnh nhỏ nhưng đem lại hiệu quả rất lớn: Gudjohnsen lùi xuống đá tiền vệ cùng Makelele và Lampard, giao phó tuyến đầu cho Drogba, Duff, Robben. Sơ đồ 4-3-3 tiếp tục được hoàn thiện trước khi Ballack, Shevchenko tới. Không thể làm mất lòng chủ tịch tọc mạch Roman Abramovich, ông chuyển sang 4-4-2 kim cương để có chỗ cho những “cục cưng” của Sa hoàng. Sự thật là Mou đã chính xác khi cương quyết không muốn mang về hai siêu sao nói trên bởi công thức 4-3-3 đang trên đường thăng hoa rực rỡ nhưng dù gì ông cũng chỉ là người làm, không thể làm khác được. Với 4-3-1-2, Chelsea đã không còn duy trì được hình ảnh “một cỗ máy hoàn hảo tới từng con ốc vít” như ngày nào nhưng lỗi không hoàn toàn thuộc về Mourinho.
Đến với Inter, ông cũng rất muốn áp dụng 4-3-3 nhưng sau thời gian đầu bố trí Vieira-Cambiasso-Muntari ở tuyến hai cùng Ibra-Quaresma-Amantino Mancini trên hàng công không mang lại hiệu quả bởi sự khô khan của 3 tiền vệ cơ bắp nhưng thiếu sáng tạo cùng một Quaresma, Mancini bỗng dưng đánh mất phong độ đến lạ lùng. Mou liền quay lại với sơ đồ 4-3-1-2 của Mancini đã áp dụng quá thành công trong quá khứ với Stankovic đá hộ công còn tuyến đầu thuộc về Ibra và Julio Cruz để chờ đợi những bản hợp đồng ưng ý mới. Phát kiến đáng kể của Mourinho thời gian này là để Zanetti đá tiền vệ trung tâm và chính tiền vệ người Argentina vẫn đang rất thành công tại vị trí tưởng như quá xa lạ với vị trí hậu vệ phải khi khởi nghiệp. Nhưng đỉnh cao của Mou tại Meazza là mùa bóng 2009-2010 với những bản hợp đồng “kì diệu”: Sneijder, Eto’o, Pandev, Motta, Diego Milito. Không có một tiền vệ chạy cánh nào cho đúng nghĩa nhưng sơ đồ 4-2-3-1 với trái tim là Sneijder đã vận hành hoàn hảo trong ý đồ phòng ngự phản công sở trường của Mou. Zanetti đóng thế Chivu rất tốt bên cánh trái trong những trận đánh đỉnh cao. Dù còn nhiều lời chỉ trích về lối đá tiêu cực nhưng phải thừa nhận “Interinho” đã trở thành hình mẫu của một trường phái bóng đá.
Dưới thời Mourinho Real đã có những thay đổi rõ rệt nhưng chỉ tiếc Barcelona vẫn còn quá mạnh.
Gia nhập Real Madrid khi Barcelona đang trong thời kì đỉnh cao của thứ bóng đá làm ngay ngất lòng người tiqui-taca nhưng những dấu ấn của Mou trong lối đá của Real vẫn hết sức rõ rệt. Real đã biết phòng ngự nhiều hơn, có sự hài hòa giữa phòng ngự và tấn công, giữa duy mỹ và thực dụng. 4-2-3-1 có cơ sở để thi triển bởi ông có Mesut Ozil và những siêu sao chạy cánh (4-3-1-2 không có chỗ cho những tiền vệ chạy cánh) trong khi số tiền đạo thực thự trong chỉ là 2 (Benzema, Higuain). Pepe hay Coentrao đôi khi được luân chuyển lên hàng tiền vệ khi cần bóp ngẹt lối đá của đối thủ. Nhưng khi Ronaldo có thể đá tiền đạo thực thụ còn Di Maria đang làm mình làm mẩy về vấn đề lương bổng, Mourinho đã tìm ra một phương án hai trong chuyến du đấu mùa hè dù sơ đồ đó không mới: 4-3-1-2. Kaka đã toả sáng trong vị thế của một “playmaker” trong màu áo AC Milan, nhưng Real chưa bao giờ chơi với sơ đồ đó cho tới tháng 6 vừa qua. Kaka đã tìm lại được phần nào những năm tháng huy hoàng tại San Siro khi chơi sau Ronaldo-Benzema với sự phục vụ tận tụy của bộ ba Coentrao-Granero-Khedira (đá chính có thể là Alonso-Coentrao-Ozil) sau lưng. Kaka, khi chơi như một “ông chủ khu trung tuyến” khiến Ozil và Di Maria phải mất đi không ít tầm ảnh hưởng. Đều trẻ hơn, đều thích hợp hơn Kaka trong “dự án thập kỷ” của Mourinho, làm phật ý những cái tên ấy là điều khá mạo hiểm đối với bầu không khí trong phòng thay đồ nhưng được áp dụng khi 4-2-3-1 bế tắc thì hoàn toàn có thể.
Thành công không bao giờ tới dễ dàng và với một đội ngũ trẻ trung (đặc biệt là hàng công), Real Moudrid còn nhiều thời gian để hoàn thiện. Mou là con người của những danh hiệu, Barca vẫn rất hùng mạnh nhưng nên nhớ rằng La Liga được quyết định sau 2 trận đấu El Clasico và tại Champions League không chắc hai đội bóng này sẽ gặp nhau. Bởi vậy, cơ hội để Real giành những danh hiệu là rất nhiều nếu so sánh lực lượng với những đội bóng tên tuổi khác của trời Âu.
Một số điểm nhấn trong cách dùng người của “Special One”:
- Sự thật là Mourinho không gò bó mình vào một chiến thuật rõ ràng nào cả. Chỉ có thể khẳng định ông ưa thích lối đá 4 hậu vệ và 1 tiền đạo cắm mà thôi.
- Mou ưa thích mẫu tiền vệ đánh chặn giàu sức mạnh nhưng vẫn đảm bảo những tình huống vỗ mặt từ tuyến hai: Maniche-Essien-Cambiasso-Khedira.
- Mou luôn bố trí một hậu vệ thuận chân phải đá cánh cánh trái trong những trận đấu đỉnh cao: Gallas-Zanetti-Arbeloa.
- Tiền đạo luôn phải tích cực di chuyển và phải đảm bảo là người đầu tiên tham gia tranh cướp bóng khi đối phương triển khai bóng. Mẫu tiền đạo ưa thích của Mou là Drogba-Derlei-Milito-Eto’o, những tiền đạo có sức mạnh, càn lướt, dứt điểm đa dạng, thi đấu hiệu quả.
Bongda.com.vn