Interpol cho biết cảnh báo màu cam “là nhằm mục đích cảnh báo 188 quốc gia thành viên về mối nguy hiểm của việc di chuyển của các cá nhân trên và các tài sản của họ”. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước đó đã cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với lực lượng lãnh đạo của Libya.
Tòa án quốc tế của Liên Hiệp Quốc cũng thông báo đang điều tra về cáo buộc lãnh đạo Libya phạm tội ác chống lại loài người ở Libya.
Những người tị nạn chờ xe buýt ở Ras Jdir (Tunisia) sau khi thoát khỏi Libya - Ảnh: AFP |
Lực lượng nổi dậy ở Libya đã bác bỏ khả năng đàm phán với nhà lãnh đạo Gaddafi với vai trò trung gian của Venezuela, trong khi các nước phương Tây vẫn kiên quyết yêu cầu ông Gaddafi phải ra đi.
Phe nổi dậy tuyên bố chỉ thương lượng khi ông Gaddafi từ bỏ chức vụ và đi tị nạn ở Venezuela. Khi đó, phe này sẽ cần phải thương lượng để đưa ông về Libya xét xử. Người phát ngôn của Hội đồng dân tộc - bộ mặt chính trị công khai của phe nổi dậy - tuyên bố không bao giờ đàm phán với ông Gaddafi.
Ngày 4-3, quân đội Libya tiếp tục ném bom hai thành phố chính ở miền đông là Brega và Ajdabiya do phe nổi dậy kiểm soát.
Các lực lượng trung thành với ông Gaddafi đã lấy lại quyền kiểm soát thành phố Zawiyah, gần Tripoli, từ tay lực lượng nổi dậy.
AFP cho biết Pháp và Anh ủng hộ thành lập một vùng cấm bay trên bầu trời Libya. Đức phản đối mọi sự can thiệp quân sự của nước ngoài ở Libya. NATO tuyên bố NATO không có ý định can thiệp vào Libya nhưng vẫn lên kế hoạch cho mọi tình huống.
Tổng thống Barack Obama kêu gọi ông Gaddafi từ chức lập tức và cho biết Mỹ đang xem xét mọi khả năng, trong đó có cả việc áp đặt vùng
cấm bay đối với Libya. Mỹ vẫn tỏ ra do dự do lệnh cấm bay này quá mạo hiểm và phức tạp. Thế giới cũng chưa hoàn toàn ủng hộ sự can thiệp này.
Tuổi Trẻ