Kinh phí cho 42 tập của phần I, được biết, Công ty Sao Thế Giới (STG) bỏ ra hơn 60 tỉ đồng (chi phí khoảng 1,5 tỉ/tập phim), phần nhiều dành cho khâu trang phục, bối cảnh, đạo cụ, giám sát việc thực hiện phim... Phim được chiếu vào khung giờ vàng, nhận được sự quan tâm của khán giả (từ các diễn đàn có gần 2.000 ý kiến bình luận, 300.000 lượt xem các trailer, teaser, các tập phim...), về góc độ tinh thần, với nhà sản xuất, như lời bà Phạm Ái Vân - Chủ tịch HĐQT Cty STG là “cực kỳ to lớn”, tuy nhiên, về góc độ vật chất, thì “việc thu hồi đủ số vốn bỏ ra, coi như vô vọng”. Cty STG, về cơ bản, đã chuẩn bị hòm hòm kinh phí cho 15 tập tiếp theo, nhưng muốn tìm đủ kinh phí cho 30 tập (kịch bản văn học bằng khoảng 35 tập phim) thì mới bắt tay vào thực hiện.
Chiều 19/9, trao đổi với chúng tôi, bà Vân cho biết: “Huy động vốn làm phần II phim là một bài toán khó, vì Huyền sử thiên đô không thuộc dòng phim thương mại, không lấy quảng cáo bù cho chi phí làm phim được. Chúng tôi có nghĩ tới chuyện trao đổi với êkíp làm phim, có thể tiết kiệm được khâu nào chăng...”.
Lê Long Đĩnh (giữa, ảnh) - một vai diễn được cho là “để đời” của Trung Dũng.
Một câu hỏi được đặt ra: Trường hợp xấu nhất, không kiếm đủ kinh phí, nhà đầu tư chấp nhận bỏ cuộc và điều gì sẽ xảy ra? Phần I phim dừng ở tập 42 - cao trào, khi số phận của Lý Công Uẩn mang đến cho người xem sự tò mò lẫn tiếc nuối khi được tác giả kịch bản - nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn “cho phép” hấp dẫn khán giả bằng sự tưởng tượng - là Lý Công Uẩn rơi xuống vực sâu, rồi bị đi đày, ...
Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cho biết: Huyền sử Thiên đô không phải là bản tường trình về quy trình dời đô. Tinh thần của “thiên đô” - dời đô có trong phần I, nhưng cao trào quyết định đặc điểm của phim nằm ở 30 tập cuối...”. Nhà báo Hà Phương - người có nhiều đóng góp vào dự án phim, cho biết: “Phần II càng được thực hiện nhanh, càng đỡ tốn. Nếu không làm tiếp, sẽ mất cơ hội tạo dựng một dòng phim lịch sử chính luận...”.
Đạo diễn Đặng Tất Bình cũng chia sẻ: “Kịch bản phim càng ngày càng hấp dẫn, không làm tiếp, rất uổng phí. Phần I xong, chúng tôi vừa vui, vừa buồn. Vui vì đã vượt xong một chặng đường khó. Buồn vì không biết bao giờ mới làm tiếp phần II...”. Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Giả dụ có kinh phí, liệu có thể quy tụ được hết dàn diễn viên không? Họ có sẵn sàng tham gia nữa không?”, ông Tất Bình cho biết: “Hơn 100 con người của đoàn phim chưa ai tỏ ra chán chường, vì đây là một dự án quy mô, tương đối chỉn chu. Sẵn có kinh nghiệm làm phim, ai cũng mong được làm tiếp...”.
Huyền sử thiên đô là một trong những phim được sản xuất nhân đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, cũng là một trong số phim có đề tài lịch sử do tư nhân bỏ vốn thực hiện. Đó là điều đáng trân trọng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như lúc này, dịp đại lễ cũng đã qua, việc chờ kinh phí nhà nước, kêu gọi vốn từ nhà hảo tâm nào đó góp 15-20 tỉ đồng tiếp tục làm phim - rõ ràng là điều không tưởng. Và những câu chuyện quanh việc làm phim, được phép chiếu trên VTV, rồi việc kêu gọi vốn để làm tiếp phần II Huyền sử thiên đô, rõ ràng cũng là một ví dụ cho thấy phần nào thực trạng phim ảnh nước nhà...
Báo Lao Động