Tuyển HLV có phải là việc khó nhất?
Các công việc khác của liên đoàn có thể kể ra đây là xây dựng các hệ thống văn bản mang tính hành lang pháp lý để các cơ quan quản lý nhà nước thông qua cho lĩnh vực bóng đá; đào tạo trẻ; tổ chức vận hành các giải đấu thuộc hệ thống trong đó bao gồm các vấn đề phát sinh, xử lý các sự cố của giải; kiếm tiền tài trợ; tham gia các hoạt động đối ngoại hợp tác quốc tế trong đó có lôi kéo các dự án và cả các giải đấu về Việt Nam tổ chức. Còn một số công việc khác nhưng những cái kể trên nằm trong vai trò chức năng chính và cũng là các hoạt động thường xuyên.
Nhưng không có công việc nào mà liên đoàn thực hiện lại gặp khó khăn và họ lại hết sức thận trọng như việc tuyển chọn HLV trưởng cho đội tuyển, dù cho nó chỉ là một tiểu tiết trong số 16 đầu mục vai trò và trách nhiệm được ghi rõ trong điều lệ của tổ chức này. Đáng ra, nó là việc làm khá đơn giản, nhất là trong một xu hướng các đội tuyển và CLB bóng đá trên thế giới thay HLV như thay áo và luôn có sẵn đội ngũ HLV thất nghiệp dù rất giỏi và trên ngực đầy huy chương.
Vì sao?
Không phải vì chỉ ở Việt Nam mới có áp lực thành tích, bởi đội bóng nào cũng có mục tiêu cả. Không phải vì không ai chịu tới vùng trũng, bởi ngay sau khi ông Calisto từ chức đã có gần 50 bộ hồ sơ xin ứng thí. Càng không phải vì tiền lương, vì đã có các doanh nghiệp tự nguyện tài trợ mà không cần liên đoàn vận động: năm 2008-2009 lương HLV đội tuyển do bầu Trường đóng góp phần lớn, lương HLV năm 2010 do tập đoàn truyền thông AVG gánh vác phần nhiều, và mới đây có đại gia đứng ra mời Hristo Stoichkov sang đàm phán rồi sẵn sàng tài trợ 1 triệu USD. Những cái đang vướng giờ đây khó khăn nhất là chuyện đền bù bao nhiêu tháng lương cho ứng viên số 1 Falko Goetz.
Cho đến bây giờ, Falko Goetz vẫn là ứng viên sáng giá nhất ngồi vào ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam
Thường thì thế giới bóng đá không coi đó là rào cản, và trong sự hiểu biết hạn hẹp của mình, người viết chưa từng nghe được vụ đàm phán nào bất thành chỉ vì người ta không tìm được sự đồng thuận về số tháng lương đền bù. Rất giản đơn, nếu không ai kỳ kèo thì điều khoản đơn phương phá vỡ hợp đồng sẽ là khoản tiền tương ứng toàn bộ số tháng lương còn lại. Đó là một thông lệ. Nếu có biệt lệ, thì nó xuất phát từ sự tôn trọng và cũng không phải là sự kỳ kèo như chúng ta đang phải làm, là đòi các ứng viên chỉ chấp nhận 3 tháng lương đền bù.
Liên đoàn chắc chắn biết thông lệ đó, và cũng rất không muốn Việt Nam trở thành ngoại lệ tới mức dị biệt: đối xử với HLV đội tuyển như một tờ báo nào đó tuyển dụng và ký hợp đồng với một phóng viên. Những gì chúng ta đang đặt ra là sự tự làm khó mình.
Nếu như vấn đề tài chính gần như bất khả kháng, vì các doanh nghiệp có thể tài trợ tiền lương và thưởng, nhưng không ai tài trợ cho khoản bồi thường. Người viết dám cá là sẽ không bao giờ có một cuộc họp báo nào công bố sự kiện kiểu doanh nghiệp XYZ - nhà tài trợ hạng mục tiền bồi thường hợp đồng HLV đội tuyển cả. Và ngân khố của liên đoàn sau mỗi khóa cũng chỉ dư ra vài tỷ, chỉ đủ vài tháng lương đền cho thầy ngoại. Thì lại có một vấn đề khác đáng ra có thể tránh: những cái nhìn từ dư luận và truyền thông cho rằng cứ đền bù cho việc sa thải HLV là do yếu kém và thiếu trách nhiệm. Điều đó chỉ đúng khi lặp lại sai lầm như vụ Letard 7 năm về trước, ai đó ở liên đoàn khóa IV (nay là khóa VI) đãng trí, quên tham dự các phiên phán xử của Tòa án thể thao thế giới CAS, nên phải đền gần 200.000 USD cho các thứ tiền án phí, bồi thường danh dự... Mà liên đoàn khóa này, tôi cho rằng họ đủ kinh nghiệm và kiến thức đề không mắc lỗi kỹ thuật kiểu đó.
Sự kỳ lạ chỉ có ở Việt Nam
Có quan chức liên đoàn mới đây nói rằng, một trong những câu hỏi thường nghe nhất gần đây từ giới truyền thông khi lấy tin tuyển HLV, rằng “đàm phán với ông ấy (HLV), mình sẽ phải đền bù bao nhiêu tháng lương nếu sa thải”, chứ không phải vấn đề chuyên môn, kỹ thuật nào khác.
Ở trong hoàn cảnh này, có lẽ, liên đoàn nếu có đủ tiền chắc cũng không tự tin đi ngược lại dư luận, và cũng không ai đủ lạnh lùng để chất vấn lại một điều rằng tại sao chúng ta không tin vào khả năng thành công của ông ấy, và nếu đã hội nhập với bóng đá thế giới, chúng ta không thể nghĩ rằng nghề HLV cũng giống như một nghề lao động phổ thông, và Luật Lao động Việt Nam đúng là nền tảng và khuôn khổ đấy, nhưng chúng ta cũng không thể ngồi xổm lên thông lệ quốc tế.
Bóng đá Việt Nam chuyên nghiệp theo kiểu khác với thế giới. Nhưng dường như, chính một phần giới truyền thông cũng đang làm cho nó trở thành một thực thể dị biệt.
Hy vọng đội tuyển sẽ sớm có HLV trưởng thực thụ, để chúng ta không phải tham dự giải đấu quan trọng nhất của thế giới bóng đá - vòng loại World Cup 2014 - bằng HLV tạm quyền Mai Đức Chung có thừa nhiệt huyết nhưng ít nhiều vẫn đang đau đầu lo trụ hạng cho CLB của mình ở V-League.
TTVH Online