Bầu Kiên phát biểu thẳng thắn với tinh thần xây dựng tại hội nghị.Ảnh: Gia Hưng
1. Trong hội nghị tổng kết mùa bóng 2011 và chuẩn bị cho mùa giải chuyên nghiệp 2012, ông Nguyễn Đức Kiên, ông chủ đội bóng Hà Nội ACB đã đứng lên phát biểu những ý kiến hết sức thẳng thắn, chân tình: “VFF luôn nói câu quen thuộc: Bằng chứng đâu? Bằng chứng trong tay các anh cả. Các anh biết hết, biết rõ ràng, biết trọng tài nào tốt, trọng tài nào không tốt. Tôi bảo đảm các anh biết. Bóng đá là một sân khấu và diễn viên người ta có thể xem được cả bốn mặt. Chỉ có người trách nhiệm có mở mắt ra để nhìn thấy hay không, hay cố tình cho qua. Bao nhiêu năm rồi, suốt ngày các anh hỏi câu “bằng chứng đâu?” thì nghe sao nổi”. Anh Mùi (Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quốc gia Nguyễn Văn Mùi) nói có 22 trọng tài, điều hành 14 đội bóng. Vì sao một trọng tài lại bắt cho một đội 5 trận ở một mùa giải? Cứ đội ấy đá lại trọng tài đó bắt. Anh Khôi (Phó tổng thư ký VFF, Trưởng Ban tổ chức giải Dương Nghiệp Khôi) nói không dùng trọng tài địa phương để bắt, các anh tạo ra vòng kim cô và bắt người khác phải theo mình. VFF hiện nay bao cấp hơn mọi thời kỳ bao cấp khác. Bộ máy phình to, chức năng, nhiệm vụ nói là rõ ràng lắm nhưng chẳng ai làm đúng và đủ chức năng của mình.
Anh Long (Chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long) là một người yêu bóng đá, và muốn làm bóng đá một cách tử tế. Nhưng cách điều hành của BTC giải, của VFF khiến anh ấy chán chường đến mức ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Chính vì vậy gia đình anh ấy không muốn anh ấy tiếp tục làm bóng đá nữa và Hòa Phát đã giải tán cũng bởi vì thế. Chúng tôi cũng đã xem xét đến việc bỏ giải, nếu như không có những thay đổi.
Nếu tôi là Chủ tịch VFF thì tôi không cho phép những gì đang diễn ra ở VFF. Có xử lý được trọng tài không, tôi bảo đảm được. Có xử lý được BTC giải không? Việc đó quá dễ. Bóng đá bây giờ rất khác, rất rõ ràng, nếu không có thay đổi, sẽ không ai còn chơi với chúng ta. Tôi nhận Hòa Phát chính là trách nhiệm với cầu thủ. Trách nhiệm với bóng đá Hà Nội. Nếu cần một đội lên hạng, với tôi quá dễ, tôi có thể cùng một lúc có 5-10 đội bóng, nhưng đấy không phải là tôi.
VFF cần có một sự thay đổi cơ bản, căn cơ từ việc giáo dục cầu thủ, quy định ngặt nghèo hơn về lương thưởng. Ngoài tôi và Thanh Hóa, gần như không có lãnh đạo cao nhất ở các CLB tới dự Hội nghị này. Họ không còn quan tâm tới VFF nữa. Một cuộc chơi mà chủ tịch các CLB không quan tâm thì có còn cuộc chơi không? Tôi sẵn sàng hợp tác, để cùng VFF giải phẫu căn bệnh của bóng đá Việt Nam. Tôi tin rằng cần có những thay đổi, từ quy chế, đến tổ chức vận hành CLB và cả những điều nhỏ nhất”.
2. Phó chủ tịch VFF, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Eximbank ông Lê Hùng Dũng, dù là “người nhà” nhưng đã chỉ trích vấn đề trọng tài vốn rất nổi cộm ở mùa bóng vừa qua. Ông Dũng phát biểu trong hội nghị: “Nếu BTC không cải tổ, thay đổi các vấn đề tồn tại thì Ngân hàng Eximbank sẽ rút lui, không tài trợ cho V.League mùa giải 2012 nữa. Vấn đề cần cải tổ trước tiên chính là công tác trọng tài. Tôi rất bức xúc trước vấn đề trọng tài mùa giải vừa qua. Có một nhóm mà báo chí gọi là “nhóm trọng tài mafia” khống chế toàn bộ cuộc chơi để thu lợi bất chính. Tôi xin khẳng định là cái đó có. VFF biết nhưng phản ứng chậm chạp và hơi bị bó tay trước vấn đề này. Tôi xin nhận khuyết điểm với các CLB nếu có thiệt hại liên quan đến trọng tài ở mùa giải vừa rồi. Công tác chỉ đạo của Ban thường trực phải nói là kém. Gần như khoán trắng công tác trọng tài cho các ban chuyên môn, vậy nên mới xảy ra cơ sự. Đó chính là kẽ hở của Ban thường trực. Tại hội nghị, tôi yêu cầu phải đánh giá bộ máy chuyên môn, điều hành nếu không đáp ứng được đòi hỏi của công việc phải thay luôn. Ban chấp hành phải có giải pháp cho những vấn đề còn tồn tại. Theo tôi, từ bây giờ trở đi, với những vấn đề quan trọng VFF cần mời đại diện các CLB đến để trao đổi.
3. Trước khi hội nghị tổng kết bắt đầu, Chánh văn phòng VFF Hoài Anh đã chuyển cho Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ “thư tay” với nội dung: Anh Kiên ACB đề nghị cho phóng viên vào dự. Trước hội nghị này và nhiều năm trước, VFF đã không cho báo chí vào dự, cuối mỗi hội nghị chỉ gặp mặt báo chí, ra “thông cáo” và trả lời cho qua chuyện. Thành ra, mối quan tâm của báo chí, của dư luận về những chuyện không hay của bóng đá nước nhà cứ dần chìm vào sự "im lặng đáng sợ".
Trước mỗi trận đấu có “vấn đề” hay sự việc tiêu cực, khi báo giới đặt câu hỏi, người hâm mộ lên tiếng phản đối, các đội bóng đòi sự công bằng thì lãnh đạo VFF, ban tổ chức giải luôn hỏi ngược: Bằng chứng đâu? Sự thật là “bằng chứng” ở ngay trong từng trận đấu “khét lẹt”, trong từng tiếng còi “ma” của trọng tài, trong từng bản báo cáo (theo kiểu trống đánh xuôi, kèn thổi ngược) của giám sát trọng tài...
QĐND