Được giới thiệu trước đó là một sản phẩm giải trí dành tặng những người trẻ, “Đại náo học đường” dường như giữ đúng lời hứa khi mang lại những trận cười nghiêng ngả, duyên dáng nhờ vào sự dí dỏm, trẻ trung của bối cảnh học đường.
Vẫn xoay quanh những vấn đề gần gũi với học đường, chuyện thầy trò, phụ huynh, chuyện bạn bè, tình cảm đáng yêu của tuổi ô mai,...nhưng “Đại náo học đường” sẽ được làm mới với một lứa học sinh “độc nhất vô nhị” trước giờ chưa từng xuất hiện trong phim Việt. Lê Bảo Trung đã hoàn thành một kịch bản dường như “đo ni đóng giày” cho Hoài Linh, Chí Tài, Hoàng Sơn đặc biệt là Hoài Linh, “át chủ bài” của Lê Bảo Trung.
Không cảnh nóng, không yêu đương sướt mướt hay mối quan hệ chằng chịt của những mối tình tay ba hay hot boy, hot girl, trai xinh gái đẹp. “Đại náo học đường” bắt đầu với những câu chuyện giáo dục không hề mới: những học sinh mới bước vào lớp vấp phải sự phản ứng và đối đầu của những học sinh lâu năm. Tiếng cười đến từ những cách biệt ngớ ngẩn đó, và hàng loạt tình tiết hành động hài hước chọc cười khán giả.
Hiếm khi nào thấy đạo diễn đưa hàng loạt cảnh hành động “cho ra trò” vào một bộ phim hài giải trí. Bên cạnh đó, những pha hành động vượt xa hơn cả sự trông đợi khi Hoài Linh và các diễn viên tự đảm trách mọi cảnh quay nguy hiểm không cần cascadeur. Các tình huống về cuộc đời, niềm đau và nghị lực người trẻ được lồng ghép hợp lý khiến cho bi kịch trong phim rõ nét hơn, chiếm được tình cảm của khán giả.
“Đại náo học đường” (đang chiếu tại các rạp) đơn giản, nhưng dành cho cả những người đã từng ngồi trên ghế nhà trường, làm cha, làm mẹ, để suy ngẫm về những gì đã qua. Một bộ phim trong sáng, nhẹ nhàng, và tạo nên tiếng cười dễ chịu lẫn nước mắt, cho mọi lứa tuổi, tầng lớp, đặc biệt là người lao động, học sinh, sinh viên…
Sơn Trí (Nguồn Giadinhvietnam.com)