Cũng như chuyện các đội bóng Việt Nam đi dự các cúp châu Á thường có phong trào hô to trước khi ra trận. Nào là vì “danh dự quốc gia”, nào là “quảng bá thương hiệu”… Nhưng rốt cuộc, thành tích chẳng mấy sáng sủa. Cái gì của Caesar thì sẽ phải trả cho Caesar, trong bóng đá, sự thật nằm ở trên sân cỏ và rõ ràng, bóng đá Việt Nam vẫn chịu những giới hạn mà dù có hô hào đến mấy cũng không khỏa lấp được.
Việc SL.NA thua đại diện đến từ Hongkong ngay trên sân nhà thật khó để chấp nhận. Rồi việc nhà vô địch Việt Nam thua đội bóng số 1 Thái Lan Muang Thong có thể xem là một bước lùi của bóng đá Việt Nam. Chúng ta đã để thua các đội bóng ngang hoặc kém hơn về đẳng cấp (nếu xét ở mức độ quan tâm của những giải VĐQG). Những trận thua đó là câu trả lời xác đáng nhất cho những sự đánh giá thiếu thực tế của những nhà điều hành bóng đá Việt Nam khi cứ cho rằng chất lượng của V-League tăng theo từng mùa giải.
Chính vì thế, cần phải một lần nữa ghi nhận chiến tích vào bán kết AFC Cup của Bình Dương năm 2009, vì đấy vẫn là nấc thang chói lọi nhất của quá trình hội nhập quốc tế của bóng đá Việt.
Lấy CLB làm nền tảng cho ĐTQG, vậy những trận thua mất mặt của các CLB Việt Nam ở đấu trường quốc tế có ảnh hưởng đến chất lượng của đội tuyển không nhỉ? Ảnh: Quang Thắng |
Không thể qua một trận thua để đánh giá cả một quá trình, thế nhưng, dù sao cũng cần phải thực tế. HN T&T vô địch Việt Nam mùa trước với nhiều điều không ổn chút nào nhưng nhiều người vẫn tìm cách lý giải rằng họ lên ngôi xứng đáng chứ không phải là nhờ “chạy hậu trường”.
Phải thừa nhận là hệ thống tuyên truyền của đội bóng này quá tốt khi vẫn tạo ra xung quanh chức vô địch nhiều điều sáng chói. Tuy nhiên, ngay đầu mùa bóng, đội của bầu Hiển đã bộc lộ những điểm yếu. Họ đã thua 3 trận liên tiếp từ trong ra ngoài nước. Họ trở nên bình thường một cách đáng ngạc nhiên dù chẳng có gì thay đổi kể từ khi vô địch. Nếu chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá HN T&T lên ngôi năm 2010 là xứng đáng thì điều đó cũng đồng nghĩa, V-League đã thụt lùi về mặt trình độ mất rồi.
Cái khổ là chẳng ai xác định được đâu là giới hạn của bóng đá Việt Nam. Mới thất bại tại AFF Cup 2010, đa số lại “gào” lên: Làm lại! Ít ai bình tĩnh để thấy rằng có làm lại, chắc gì đã tốt hơn đâu vì giới hạn của chúng ta chỉ vậy mà thôi. Đừng đổ hết tội cho ông Calisto vì chiếc HCB SEA Games 2009, hay việc vào bán kết AFF Cup 2010 có thể đã là giới hạn của bóng đá Việt Nam rồi. Làm sao tốt hơn được?
Ở đâu cũng vậy: Đội tuyển quốc gia được xây dựng hoàn toàn trên nền tảng của các CLB. Khi những đội bóng Việt Nam cứ bước ra khỏi biên giới thì cứ từ thua đến… thua nặng, thì lấy cơ sở nào để đặt một cái đích cao hơn cho cấp độ đội tuyển. Cứ quen cho rằng V-League là tiến bộ, cầu thủ Việt Nam là tài năng thì sẽ chẳng bao giờ biết được những giới hạn của mình (dù nó sờ sờ ngay trước mắt).
Cũng như câu chuyện tại V-League 2 năm qua. Khi HN T&T vô địch nhờ tính đồng đội, khi Đồng Tháp, Khánh Hòa hay SLNA chơi thành công hơn các “đại gia” thì lại cho rằng trình độ của V-League đang được kéo sát lại gần nhau, tính cạnh tranh cao hơn. Thật không?
Một nền bóng đá mà đội bóng nào cũng bình thường như nhau thì có còn gì đáng chán hơn. Hô hào mãi với nhau để làm gì?
Không phải cứ quyết liệt, ngang bằng về trình độ là phát triển. Đôi khi, đó lại là dàn hàng ngang để… đi thụt lùi.
Sài Gòn Giải Phóng Online