Trong cuộc sống, có những lời nói khiến người nghe ngất ngây hạnh phúc, có những câu phát ngôn vô thưởng vô phạt nhưng cũng có những câu nói chẳng khác nào vết dao để lại trong tâm trí người nghe những vết thương khó phai nhạt.
Có những câu nói thốt ra khi nóng giận, những câu nói hằn học có chủ ý làm tổn thương người nghe nhưng đáng tiếc thay, có những câu nói để lại hậu quả lâu dài chỉ vì người nói bị… hớ. Trong tình yêu cũng như trong cuộc sống gia đình, tuy không gây những hậu quả nghiêm trọng nhưng những lời nói hớ cũng tạo nên những thương tổn khó xóa nhòa trong lòng người nghe mà đôi khi chính người nói cũng hối hận vì mình chỉ nói hớ chứ không có chủ ý.
My yêu Vĩnh nhưng luôn ghen với Thụy – bạn học cũ của Vĩnh dù Thụy chỉ yêu đơn phương chứ Vĩnh không có tình ý gì với Thụy. Thế nhưng My luôn dằn vặt, ghen tuông, giận hờn khi Vĩnh tham gia những cuộc họp mặt lớp hay chỉ cần nghe ai đó nhắc đến Thụy trước mặt My. Biết Thụy vẫn lui tới thăm gia đình Vĩnh vào những dịp lễ tết, My ngấm ngầm bực mình nhưng không nói ra. Khi Thụy mời cả Vĩnh và My đến dự đám cưới mình, My chẳng những không đi mà còn ra điều kiện nếu Vĩnh đến dự thì My và Vĩnh sẽ chia tay. Dù mẹ và các chị Vĩnh đều khuyên My nên vui mừng khi Thụy lấy chồng, và dẫu không còn là “tình địch” thì cũng nên xem Thụy như bạn bè khi cô có thành ý mời cả hai chứ không mời riêng Vĩnh, nhưng dường như uất ức đã lên đến đỉnh điểm, My khóc lóc cho rằng gia đình Vĩnh thương Thụy nên mới nói vậy, rằng họ không hề thích My… Dù rất có thiện cảm với My nhưng gia đình Vĩnh không khỏi khó chịu trước những lời “kết tội” nặng nề ấy.
Sau đó, My nhắn tin, gọi điện xin lỗi mọi người trong nhà Vĩnh nhưng đồng thời, mặc cảm về những lời nói “hớ” khiến My không dám đến nhà Vĩnh nữa. Họ vẫn yêu nhau nhưng mối quan hệ giữa My với gia đình Vĩnh không còn được như trước, ít ra là trong suy nghĩ đầy mặc cảm của My.
Cách đây không lâu, Hòa – bạn tôi, đột ngột cho biết đang tính chuyện ly dị chỉ vì trong một lần cãi nhau, vợ Hòa đã lôi chuyện mẹ anh từng có hai đời chồng ra mỉa mai. Theo Hòa, vợ anh muốn nói gì cũng được, nhưng tuyệt đối không được động đến cha mẹ vốn là những người anh yêu quý nhất trên đời này, dẫu họ có lỗi lầm hay tì vết gì chăng nữa. Hòa bảo vẫn biết đó chỉ là những câu nói lúc nóng giận nhưng tình cảm dành cho vợ không được như trước nữa bởi anh không sao quên được cảm giác bị vợ xúc phạm quá nặng nề.
Chị họ tôi lấy người đàn ông đã một lần dang dở. Dẹp bỏ mặc cảm của người đến sau, chị luôn cố gắng chu toàn mọi việc từ nhà cửa, con cái đến việc chăm sóc chồng để anh thấy chị mới thật sự là “số 1” trong trái tim anh nhưng không ít lần, khi không vừa lòng điều gì đó, anh lại nhắc đến người vợ cũ với ý so sánh làm chị không chỉ ghen mà còn bị thương tổn. Khi thì “em nấu ăn không ngon bằng vợ cũ của anh”, lúc lại “sao em luộm thuộm quá, không gọn gàng như vợ anh tí nào”. Nhiều lần chị nhẫn nhịn cho qua nhưng về sau, không chịu được nữa, chị phản kháng lại thì anh dỗ dành, cho rằng chỉ lỡ lời chứ thật sự chẳng còn nhớ thương gì người cũ. Dẫu biết anh lỡ miệng, dẫu biết bây giờ chị mới thật là người vợ danh chính ngôn thuận và anh cũng chẳng có biểu hiện gì đáng trách, chị vẫn thấy cuộc sống vợ chồng đã có vết rạn vô hình, không biết khi nào sẽ thật sự tan vỡ!
Đừng để “giận mất khôn” hay những câu lỡ lời phá hỏng tình cảm, mối quan hệ tốt đẹp đã dày công vun đắp. Ông bà đã đúc kết phải “uốn lưỡi bảy lần” trước khi nói cũng là dụng ý khuyên ta suy nghĩ kỹ trước khi nói, tránh nói ra những điều không hay làm tổn thương người khác hay gây hại chính mình, để sau đó muốn rút lại thì đã muộn.
PNO