Thay "nhi đồng" bằng "đội trẻ"
HLV Montella đã thể hiện những điểm yếu của một chiến lược gia trẻ tuổi, khi ông được đôn lên từ HLV đội thiếu niên. Đó chính là lý do Montella phải ra đi bởi ông chủ mới có nhiều hoài bão lớn lao, nhưng việc bổ nhiệm một HLV đội trẻ như Enrique cũng không khác là bao so với Montella. Liệu rằng với vốn kinh nghiệm ở giải hạng 2 TBN, Enrique có đưa được Roma tới vinh quang, hoặc ít nhất giúp đội bóng đi đúng quỹ đạo?
Người ta còn hoài nghi Enrique ở chỗ, ở Barcelona (dù là đội B) có rất nhiều cầu thủ xuất sắc, bởi được thừa hưởng thành quả của lò đào tạo danh tiếng La Masia. Khi sang một đội bóng khác, liệu rằng Enrique có thích nghi được với điều kiện về lực lượng hạn chế hơn? Roma đang đối diện với một mùa Hè nhiều biến động (nhưng giờ vẫn bất động!) về lực lượng, khi nhiều trụ cột như Mexes, Pizarro, Vucinic, Menez, Borriello, Brighi và thậm chí cả De Rossi… đều đã hoặc đang rục rịch ra đi, trong khi chưa thấy ý tưởng nào rõ rệt cho những sự thay thế xứng đáng. Enrique sẽ làm được những gì với một đội ngũ thiếu hụt như thế?
Hoài nghi người TBN
Nếu Italia có HLV Capello từng đăng quang ở La Liga (2 lần với Real Madrid), thì các HLV người TBN lại chưa từng đạt thành tích tương tự ở Serie A. Thậm chí trong suốt lịch sử, chỉ có tổng cộng 5 danh hiệu Scudetto thuộc về các HLV nói tiếng TBN (2 của Renato Cesarini và 3 của Helenio Herrera). Đó quả là một nghịch lý lớn lao nếu biết rằng cộng đồng những người nói tiếng TBN rất đông đảo (cả Nam Mỹ trừ Brazil) và có ảnh hưởng rất lớn với riêng bóng đá Italia. 45 năm qua, chưa một HLV nào nói tiếng TBN như ngôn ngữ mẹ đẻ giành Scudetto, kể từ khi chiến lược gia huyền thoại Herrera đăng quang cùng Inter ở mùa 1965/66.
Những con số phía trên chắc chắn không chỉ là ngẫu nhiên, bởi tuy rất gần nhau về địa lý, nhưng phong cách bóng đá của Italia và TBN có quá nhiều điểm khác biệt, thậm chí đối lập hoàn toàn. Hãy nhìn lại thành-bại của những HLV nói tiếng TBN nổi bật gần đây trên đất Italia: Benitez thất bại khi tiếp quản Inter sau cú ăn 3 thần kỳ, sự nghiệp của Cuper rẽ sang một hướng tăm tối kể từ khi thất bại ở Inter, Passarella chỉ tồn tại ở Parma trong đúng 5 tuần (thua cả 5 trận Serie A) trước khi bị sa thải, Oscar Tabarez khá hơn chút với hành trang 11 trận ở Milan, 14 năm trước khi ông được tôn vinh ở VCK World Cup 2010.
Vậy ai dám nói trước điều gì sẽ xảy ra với Enrique ngay ở mùa bóng đầu tiên này, nhất là khi mới đây Simeone - người có phong cách chơi bóng mạnh mẽ như Enrique cũng mới bị Catania cắt hợp đồng chỉ sau vài tháng!
Enrique mang theo Krkic?
Ý tưởng đầu tiên của tân HLV Enrique là đem theo Bojan Krkic, cậu học trò cũ của ông ở Barca. Hai mùa bóng vừa qua, Krkic đều chứng tỏ được khả năng ở sân Nou Camp, nhưng anh đã tỏ ra rất giận dữ khi bị xem là cầu thủ phải “hy sinh” trong vụ Barca hỏi mua A.Sanchez. Krkic rõ ràng không muốn sang Udinese khi anh đang chơi khá hay dưới màu áo đội bóng mạnh nhất thế giới.
Krkic tỏ ra rất bất bình với cách cư xử của Barca khi không ai thèm thông báo ý định đổi anh lấy A.Sanchez, trong khi anh lại luôn muốn được gắn bó với sân Nou Camp. Việc bất mãn này có thể được đánh đổi bằng cuộc chia tay của Krkic với Barca, mà đích đến tiếp theo phù hợp nhất có lẽ chính là Roma của ông thầy cũ Enrique. Ở Roma, với việc chỉ Totti là ngôi sao tấn công duy nhất (nhưng đã sắp 35 tuổi) còn ở lại, Krkic chắc chắn sẽ có nhiều cơ hội ra sân hơn, trên hành trình trở thành một cầu thủ lớn.
BongdaPlus