Pele tự hào bảo rằng Neymar là hiện thân của chính ông thời còn trẻ, còn Franz Beckenbauer thì thẳng thắn thừa nhận: “Goetze là một Messi mới”. Nhưng để giáo dục một ngôi sao trẻ, thì người Đức có vẻ đang làm tốt hơn.
Goetze sẽ ra sân ngay từ đầu ở trận gặp Brazil. HLV Joachim Loew đã khẳng định như thế, với rất nhiều kỳ vọng đặt vào tài năng trẻ của Dortmund: “Cậu ấy có thể mang đến rất nhiều giải pháp tấn công cho đội tuyển. Cậu ấy khéo léo đến mức có thể chơi bóng thoải mái mà chẳng cần liếc xuống chân, và có khả năng quan sát xung quanh rất tốt. Cậu ấy đã phát triển đúng hướng”. Đó không phải là lần đầu tiên Goetze được khen. Giám đốc thể thao của LĐBĐ Đức, ông Mathias Sammer, từng khẳng định rằng “Goetze là một trong những cầu thủ tài năng nhất chúng ta từng có”, và sau màn trình diễn xuất sắc khó tưởng tượng trong ngày khai mạc Bundesliga cuối tuần qua (Dortmund thắng Hamburg 3-1), thì Goetze đã được huyền thoại Beckenbauer so sánh với Messi.
Tiền đạo trẻ Neymar- Ảnh Getty
Tiền vệ trẻ của Dortmund im lặng, và đón nhận những lời khen một cách điềm đạm. Neymar thì khác. Cầu thủ của Santos thậm chí còn bảo rằng anh có thể vượt qua Messi, mà không cần phải ra nước ngoài chơi bóng. Trên TTCN mùa Hè, Neymar không những là món hàng nổi bật nhất, mà còn là món hàng… nói nhiều nhất, với đủ các phát ngôn tung hỏa mù khiến các đội bóng muốn có anh phải ngán ngẩm. Neymar, giống như kiểu tóc trên đầu anh, sống quá hoang dã và đã tự tạo cho mình những áp lực không đáng có, để rồi trở thành một trong những người gây thất vọng nhất ở Copa America 2011.
Tiền đạo của Santos, bằng những phát ngôn đao to búa lớn, cho người khác thấy rằng anh là người có cái tôi lớn. Nhưng cách thể hiện rụt rè dưới sức ép cũng cho thấy rằng cái tôi ấy còn lâu mới trưởng thành, và hiện tại thì nó chỉ là một sản phẩm “bơm vá” của dư luận và truyền thông Brazil. Neymar đã được giáo dục để sử dụng lời khen và tạo ra ảo tưởng, còn Goetze được giáo dục để giữ lấy nó cho riêng mình, và âm thầm làm động lực trên sân cỏ.
Tính cách tác động đến lối chơi. Trong khi Goetze vui vẻ đặt mình vào hệ thống thi đấu của Dortmund và sẵn sàng chuyền bóng cho bất cứ ai, thì Neymar đá bóng như thể để đánh bóng bản thân anh, và từng vùng vằng với HLV khi bị yêu cầu chơi một cách đồng đội hơn. Goetze luôn sẵn sàng chạy khắp sân với năng lượng gần như vô tận và tham gia vào mọi diễn biến từ tấn công đến phòng ngự, thì Neymar không có khái niệm hỗ trợ những người đứng gần anh, không chỉ vì cả hai đá ở vị trí khác nhau (Goetze là tiền vệ công, còn Neymar là tiền đạo cánh), mà còn vì ý thức và nhiệt tình chơi bóng.
Đó cũng là những hình ảnh đại diện cho ĐT Đức và Brazil lúc này. Nếu người Đức đã là một đội bóng thực sự trong suốt nửa thập kỷ qua, như tinh thần đồng đội của Goetze, thì Brazil vẫn chỉ là tập hợp những cá thể rời rạc, như sự ích kỷ của Neymar.
TT&VH