Tại hội thảo “Đánh giá việc thực hiện các chính sách của Nhà nước về học nghề và tạo việc làm cho thanh niên” diễn ra cuối tháng 8/2011, ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM nhận định: “Thị trường lao động TP hiện có nhiều người thất nghiệp hoặc mất việc làm đồng thời với nhiều doanh nghiệp muốn tuyển dụng lao động. Sở dĩ có tình trạng này là vì doanh nghiệp cần lao động có tay nghề”. Theo thống kê của Trung tâm này, lực lượng lao động qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ 58% tổng số người lao động.
Thực tế, việc đào tạo nghề tồn tại nhiều bất cập, không ít trung tâm dạy nghề thiếu thốn cả về cơ sở vật chất, giáo viên nên chưa đa dạng ngành nghề và chưa thu hút thanh niên học nghề. Tuy nhiên, theo các chuyên gia về lao động, điều quan trọng xuất phát từ suy nghĩ của giới trẻ. Phần lớn người trẻ vẫn chưa “mặn mà” với việc học nghề. Bà Nguyễn Thị Hà, chuyên viên Phòng Dạy nghề - Sở LĐ-TB-XH TP.HCM lý giải: “Nhiều bạn trẻ chưa vượt qua rào cản tâm lý xã hội về khoa cử, bằng cấp, địa vị nên số lượng tuyển sinh và tốt nghiệp hàng năm tăng chậm, hiệu suất đào tạo chưa cao”. Huyện Đoàn Cần Giờ cho biết, tâm lý thiếu chủ động, muốn nhàn hạ, không thích đi làm xa của thanh niên địa phương này là khó khăn đáng kể trong quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách dạy nghề và giải quyết việc làm cho thanh niên.
Chăm sóc móng - nghề thu hút nhiều bạn trẻ - Ảnh chụp tại Trung tâm đào
tạo chăm sóc móng Kelly Pang
Ông Trần Văn Thạnh - Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH một thành viên SULECO chia sẻ: “Khi tham gia chấm điểm đề tài tốt nghiệp của sinh viên đại học, tôi tâm đắc với đề tài “Nghiên cứu định hướng việc làm của thanh niên ngoại thành trong giai đoạn công nghiệp hóa”. Trong số hơn 20 nghề được khảo sát, có 80% số bạn trẻ ngoại thành chọn công việc bảo vệ, lái taxi với lý do chính là “đầu tư thấp nhưng có hiệu quả ngay”. Điều này phải chăng bộc lộ định hướng sai trong chọn nghề của một bộ phận thanh niên?”.
Bạn Nguyễn Thế Long - lớp CĐT 09B Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng cho biết: “Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ đi làm để tự lập, tích lũy kinh nghiệm rồi mới học liên thông đại học. Tôi không hề e ngại khi chọn học nghề. Tôi nhận thấy, học sinh chưa được hướng nghiệp tốt từ khi còn học THPT nên dễ chọn sai nghề. Điều này sẽ làm cho các bạn trẻ không hứng thú học tập, làm việc”. Còn bạn Thái Dũng Tuấn - Huyện Đoàn Nhà Bè lấy kinh nghiệm của bản thân làm ví dụ: “Tôi có bằng thợ 3/7 về cơ - điện tử, nhưng học xong cứ phải đi kéo dây điện thoại. Tôi nghĩ các trung tâm dạy nghề cần phối hợp chặt chẽ với các trung tâm giới thiệu việc làm để các bạn trẻ đã qua đào tạo nghề được làm việc đúng chuyên môn”.
Tính đến cuối năm 2010, toàn TP.HCM có 417 cơ sở dạy nghề, trong đó có 10 trường cao đẳng, 25 trường trung cấp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có tăng (năm 2006 đạt 43%, năm 2010 là 58%). Khuynh hướng xã hội hóa (kể cả đầu tư nước ngoài) mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đào tạo nghề cũng đã thêm cơ hội chọn lựa cho học viên.
Thời gian qua, trung ương và địa phương đều có chế độ chính sách, nguồn vốn hỗ trợ thanh niên học nghề và tìm việc. Cụ thể, nguồn vay ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội dành cho thanh niên diện nghèo vay vốn làm ăn, HS - SV vay để học tập. Đến nay, thông qua đầu mối là Thành Đoàn, ngân hàng hỗ trợ cho 10.000 lượt thanh niên với kinh phí hơn 270 tỷ đồng. Nguồn quỹ hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp được Thành Đoàn giao cho Hội LHTN Việt Nam tại TP.HCM khai thác và quản lý, từ năm 2006 đến nay có 141 dự án được vay vốn, với tổng số tiền hơn hai tỷ đồng, tạo điều kiện cho 276 thanh niên làm kinh tế. Quỹ quốc gia giải quyết việc làm do Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (Thành Đoàn) phối hợp với Sở LĐ-TB-XH triển khai hàng năm đã giúp các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, tạo việc làm cho thanh niên trên địa bàn.
Nhờ các nguồn vốn, Huyện Đoàn Nhà Bè đã phối hợp với Phòng LĐ-TB-XH tập trung hướng nghiệp, giải quyết việc làm cho thanh niên nông thôn, nhất là các bạn thuộc hộ dân bị thu hồi đất để thực hiện các dự án theo chủ trương của UBND TP và UBND huyện. Nhờ đó, thanh niên địa phương này được miễn giảm hai triệu đồng khi học nghề. Bên cạnh đó, thanh niên học nghề còn được hỗ trợ tiền ăn 15.000đ/người/ngày; tiền đi lại tối đa 200.000đ/người/khóa (nếu địa điểm học cách nơi cư trú 15km trở lên).
Tuy vậy, để các chính sách, nguồn vốn này phát huy hiệu quả, giải pháp thiết yếu vẫn là công tác thông tin tuyên truyền, như đúc kết của ông Phan Văn Mãi - Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh: “Bên cạnh chính sách giải quyết việc làm, rất cần nâng cao nhận thức của các bạn trẻ về việc làm, trong đó Đoàn-Hội phải là cầu nối giữa chính sách và thanh niên”.
PNO