Bóng đá chuyên nghiệp mang đến đời sống và các chế độ đãi ngộ tốt hơn hẳn cho giới cầu thủ. Điều này mang đến những điều tích cực không thể phủ nhận nhưng cũng có những mặt trái. Một trong số đó là suy nghĩ coi đồng tiền là tất cả. Nó lan truyền từ lãnh đạo đội bóng tới cầu thủ và thậm chí cả các CĐV. Ai cũng biết rằng chỉ có một đội bóng được đầu tư bằng rất nhiều tiền, mỗi mùa giải lên tới hàng chục tỷ đồng thì mới có đủ sức để tham dự V-League. Nếu không có sự “chống lưng” thế này, việc tham dự giải hạng Nhất đã là “may mắn”.
Giới cầu thủ từ khi có mô hình chuyên nghiệp thì chịu khó đi tứ xứ để “kiếm ăn” thay vì cố gắng bám trụ với đội bóng quê hương như ngày trước. Họ đến các đội bóng mới để kiếm tiền và sự thật, chỉ khi nào lãnh đạo CLB treo thưởng nhiều thì mới có động lực để thi đấu chứ không mấy khi có khái niệm về màu cờ sắc áo. Thế mới có chuyện Vissai Ninh Bình thi đấu lận đận mấy mùa nay cho dù có đội hình nhiều ngôi sao nhưng lại không phải người bản xứ. Hàng loạt các CLB khác ở V-League và giải hạng Nhất cũng cố gắng “đua” cho khỏi thua kém thiên hạ nhưng do nguồn lực có hạn nên chỉ đi được nửa chặng đường là sưu tập các cầu thủ có tiếng thì đã “hết sức” không thể duy trì “động lực tiền” để họ thi đấu hết mình.
Đây là một thực trạng không thể chối cãi ở bóng đá Việt Nam. Nhưng điều đáng buồn nhất lại không phải nằm ở đây mà nằm trong hướng “giải quyết” vấn đề mà lãnh đạo CLB và cả các CĐV hướng tới. Tất cả đều mong đội bóng của mình tìm được một Mạnh Thường Quân lắm tiền nhiều của mà quên mất rằng tiền bạc không hề có giá trị bền vững trong bóng đá.
Nên nhớ rằng công tác đào tạo cầu thủ trẻ, khai thác nguồn lực từ chính địa phương mình mới là điều quan trọng. Tiền dù sao đi nữa vẫn chỉ là công cụ để người ta “làm bóng đá” chứ không phải cách để mang đến thành công.
Đem câu chuyện về giấc mơ V-League hỏi một số CĐV của nhiều đội hạng Nhất, không ít người cười khẩy rồi khẳng định rằng ngày có mặt ở đấu trường lớn đối với địa phương họ còn xa lắm. Tất cả chỉ vì không có tiền.
Những suy nghĩ ấy nếu còn tiếp tục tồn tại rộng rãi thì V-League sẽ còn rất lâu nữa mới thoát khỏi cách danh xưng “nền bóng đá tốn tiền” mà không ít người trong cuộc đã mỉa mai dành tặng.
Xzone