Làm việc với những người mà bạn không thấy thoải mái, thậm chí là căm ghét sẽ khiến bạn khó có thể giải quyết tốt công việc. Nhiều vị sếp rất giỏi về chuyên môn, năng lực tốt nhưng lại không biết cách phân chia công việc, thiếu khả năng lãnh đạo, khả năng nhìn nhận, đánh giá nhân sự khiến nhân viên chịu nhiều ấm ức.
Những người quản lý này khó có thể truyền cảm hứng, giúp bạn hào hứng làm việc mà ngược lại, chỉ khiến bạn khó chịu và tâm trạng chán ghét ngày càng tăng lên theo cấp số nhân. Rơi vào hoàn cảnh đó, nhiều nhân viên muốn từ bỏ vị trí công việc hiện tại vì thiếu niềm tin vào tương lai của công ty cũng như của bản thân.
Sự khó chịu với sếp ảnh hưởng không ít tới hiệu quả công việc - (Ảnh minh họa)
Nhưng cũng không ít người băn khoăn liệu có nên từ bỏ khi mà họ thực sự yêu thích công việc đó, cảm thấy muốn gắn bó và phát triển bản thân ở lĩnh vực này hơn. Lúc này, phải đối diện và ứng phó với những xung đột, mâu thuẫn, những cảm xúc khó chịu về sếp như thế nào? Theo Karel van der Molen - giảng viên cấp cao tại ĐH Stellenbosch University và là cựu chuyên gia tư vấn phát triển quản lý trong lĩnh vực bảo hiểm, trong tình huống này, có hai vấn đề cần suy nghĩ kỹ trước khi đi đến quyết định cuối cùng.
Thứ nhất, bạn yêu thích công việc, có năng lực trong lĩnh vực đó, bạn nhìn thấy cơ hội phát triển của bản thân. Liệu những cảm xúc cá nhân đó có cần thiết để bạn phải từ bỏ vị trí hiện tại hay không?
Karel gợi ý mọi người có thể trao đổi thẳng thắn với sếp về những mâu thuẫn và cảm xúc của bạn bởi nó ảnh hưởng và có tác động không nhỏ đến công việc. Biết đâu, những nhận xét chủ quan của bạn chỉ là sự hiểu nhầm không đáng có, cuộc trò chuyện với sếp sẽ giải quyết được những khó chịu trong lòng.
Nhưng nếu cuộc chuyện trò ấy không đem lại kết quả gì, bạn hãy tìm đến sự giúp đỡ của những người phụ trách nhân sự trong công ty. Hy vọng rằng, họ sẽ giúp bạn tháo gỡ mọi khúc mắc hiện tại.
Nếu có thể, hãy tìm một phương án giải quyết nhẹ nhàng, để cả hai bên cùng có lợi - (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, Karel cũng không phủ nhận những xung đột, cảm giác khó chịu với sếp khiến bạn cảm thấy quá ức chế. Nếu cố gắng làm việc tiếp đi chăng nữa cũng chỉ là thử thách sự chịu đựng của bản thân và là nguyên nhân khiến nhiều người không còn lựa chọn nào khác ngoài việc từ bỏ công việc. Lúc này, bạn nên nhờ đến chuyên gia hoặc luật sư tư vấn doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi khi thôi việc.
Thứ hai, Karel cho rằng, bạn nên cố gắng giải quyết vấn đề với thái độ tích cực, tinh thần trách nhiệm cao, nhằm tháo gỡ xung đột chứ không phải để mâu thuẫn thêm căng thẳng đến mức phải bỏ việc.
Trong trường hơp này, bạn nên nghĩ đến khả năng thương lượng với một đối tác cực kỳ khó tính, vận dụng kỹ năng giải quyết mâu thuẫn của bản thân, để hóa giải những căng thẳng vốn có với sếp. Đây là lời khuyên dành cho những người muốn cố gắng tiếp tục phát triển sự nghiệp hiện tại, chứ không phải để tìm kiếm một giải pháp không có lợi cho cả hai bên.
Bưu điện Việt Nam