Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke (trái) và Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner tại hội nghị G-20. Mỹ là một trong bảy nền kinh tế bị giám sát - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin Reuters, bảy nền kinh tế này bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật, Đức, Anh, Pháp và Ấn Độ. Các chuyên gia kinh tế khẳng định sự mất cân bằng thương mại toàn cầu, nổi bật là tình trạng thâm hụt nặng nề của Mỹ và thặng dư lớn của Trung Quốc, đã dẫn tới cuộc khủng hoảng năm 2007-2009.
Theo thỏa thuận của G-20, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) sẽ xem xét các yếu tố như mức nợ công, thâm hụt ngân sách, cán cân thương mại để xác định quốc gia nào áp dụng chính sách khiến tình trạng mất cân bằng thương mại toàn cầu xấu đi và đề xuất thay đổi chính sách.
Kết quả sẽ được đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại Cannes, Pháp vào tháng 11. Reuters dẫn lời chuyên gia kinh tế Eswar Prasad thuộc Viện Brookings và cựu quan chức IMF, nhận định bài thử thật sự đối với kế hoạch của G-20 là khi các con số được công bố, và các nước phải đưa ra câu trả lời về những chính sách bị xem là gây mất cân bằng thương mại toàn cầu. “Khi mọi thứ được đặt lên bàn, chúng ta sẽ thấy sự phủ nhận”.
Thông cáo chung của G-20 cũng dành chỗ cho các nước để đối phó với sự chỉ trích: “Tình hình riêng của từng nước sẽ được tính đến” - thông cáo viết.
Theo Tân Hoa xã, đại diện Trung Quốc là Thứ trưởng Tài chính Chu Quang Diệu bày tỏ sự hài lòng và khẳng định thỏa thuận trên “phản ánh đầy đủ nhu cầu của các nước”. Trước đó, nỗ lực giải quyết tình trạng mất cân bằng thương mại gặp bế tắc do Bắc Kinh lo ngại G-20 muốn nhắm vào đồng nhân dân tệ.
Tuổi Trẻ Online