Mà cái nơi anh đến ấy chỉ là Dagestan, vùng đất “khỉ ho, cò gáy” ở tận Trung Á, nơi bóng đá là thứ trò chơi để tô điểm cho quyền lực.
Trong cuộc họp báo ở Cameroon hôm 13/8, Eto’o khẳng định là mình đang thương lượng với Anzhi Makachkala, nhưng vẫn lấp lửng: "Tôi có thể sẽ lại Inter và có thể sẽ có một điều ngạc nhiên lớn, khi một CLB Anh nhảy vào cuộc". Không một ai tin. Đấy chắc chắn là một câu nói đùa thuộc loại vô duyên nhất. Cả thế giới đã biết một điều rõ ràng, là chân sút xuất chúng này sẽ rời bỏ Inter để đến với một đội bóng đang chơi ở giải Ngoại hạng Nga, một CLB không có hề có lịch sử, vì trước năm 1991, năm mà Inter đoạt Cúp UEFA, đội bóng này còn chưa tồn tại. Nhưng có lẽ Eto’o không quan tâm nhiều đến điều ấy, không để ý đến cả những điều kiện nghèo nàn ở thủ đô của đất nước xinh đẹp nhưng bất ổn của văn hào Gamzatov, người viết cuốn "Dagestan của tôi". Giờ đây, sau một trong những cuộc thương lượng chóng vánh và ít tranh cãi nhất trong sự nghiệp của mình, anh đã ra đi, đến cái nơi mà người ta sẽ đổ vàng lên người anh theo đúng nghĩa đen của nó. Người ta đã tính ngay ra rằng, mỗi một giờ ở Makhachkaka, Eto'o kiếm được 3.000 USD, nghĩa là 50 USD/phút, xấp xỉ 1 USD/giây. Có thể nói điều gì từ con số đó? Chỉ có điên mới không giết thời gian bằng cách đếm tiền.
Eto'o rời Inter vì tiền?- Ảnh Getty
Liệu có một cuộc chiến nào trong đầu Eto'o khi anh chuẩn bị đặt bút kí cho đội bóng ấy, một cuộc nội chiến trong anh, giữa sự giàu có (hơn 70 triệu USD bỏ túi trong 3 năm) và những nỗi hối hận vì phải rời bỏ châu Âu đầy ánh sáng để tới “xứ mù” Dagestan? Có lẽ đã từng có những giằng xé, nhưng rõ ràng, đến phút chót, những nỗi nuối tiếc về thể thao đã nhường chỗ cho tiền bạc. Còn nước Anh? Eto’o từng nói Premier League là giải đấu lớn duy nhất anh cần phải chứng tỏ. Và nữa, Abramovich cũng là một ông chủ người Nga như Kerimov, chủ của Anzhi. Tại sao anh không chọn ông chủ của Chelsea, người có thể ít tiền hơn Kerimov nhưng sẽ cho anh một môi trường bóng đá xứng đáng với anh hơn, nơi anh vẫn "sống" và được "nhìn thấy"? Nhưng thực ra, Eto'o còn cần gì nữa nhỉ, khi anh đã có tất cả, các chức VĐQG, Champions League, Cúp Liên lục địa. Anh chỉ chưa có “Quả bóng Vàng”, nhưng đây là lúc anh trở thành “Quả bóng Vàng” về mặt tiền bạc. Thế là đủ để anh chấp nhận tự loại mình khỏi trung tâm của bóng đá thế giới như một dạng “về hưu non” ở tuổi 30.
Có lẽ cho đến nhiều năm sau nữa, người ta vẫn không quen với việc Eto'o đã rời bỏ châu Âu và sẵn sàng chấp nhận hy sinh về mặt thể thao để trở nên giàu có hơn gấp bội. Sự ra đi của anh, nên hiểu theo một nghĩa tích cực, là để mở ra một biên giới bóng đá mới, bao giờ cũng đầy rủi ro và quá phiêu lưu. Beckham không làm cho giải MLS hấp dẫn và giàu có hơn về chất lượng, nhưng đã luôn làm người ta chú ý đến họ. Giờ đến lượt Eto'o làm điều tương tự với Anzhi và giải Ngoại hạng Nga, giải đấu ngày càng trở nên đáng xem hơn, và có lẽ, trong tâm tưởng, con Sư tử Cameroon đã tự thuyết phục được một điều: trong một tương lai không xa, với hàng đống dollar đổ vào Anzhi cũng như giải vô địch Nga đang biến thành cuộc vui của các tỉ phú ngày càng mọc lên như nấm sau mưa, một dạng Man City hay Premier League trên đất Nga sẽ ra đời. Hãy cứ tin như thế, Eto'o ạ, và hãy nhìn Kaka làm một tấm gương. Ngôi sao sáng nhất thế giới năm 2007 đã chê tiền của Man City, chọn Real Madrid để rồi bây giờ ngồi nhìn sự lớn mạnh của Man City từ ghế dự bị ở sân Bernabeu, trong nỗi đau đớn vì những chấn thương và sự ghẻ lạnh của Mourinho.
Eto'o đã thấy Kaka, và anh không thể bỏ lỡ chuyến tàu của mình như Kaka đã từng. Cần phải quen dần với suy nghĩ, rằng Eto'o đến với Dagestan xa xôi không chỉ vì một nắm dollar, như tựa đề một bộ phim Viễn Tây với nền nhạc hoành tráng của Ennio Morricone. Hãy coi đó như khu rừng của anh, làm cho tất cả biết tới và đừng chết già trong nhung lụa, giữa các tầng súng của vệ sĩ và nỗi lo sợ bị bắt cóc, đánh bom...
Lá bài chính trị
Eto'o mới chỉ 30, vẫn có khả năng cống hiến trên đỉnh cao dăm năm nữa và sự "hy sinh" mà anh đã chấp nhận sẽ được trả bằng rất nhiều tiền, dù có lẽ, khi đặt chân đến Dagestan, con sư tử trong anh vẫn có đôi lúc thức dậy và tự nhủ: "Ta là Vua Sư tử. Ta phải ở trong rừng. Ta không thể đến với gánh xiếc". Trên thực tế, gánh xiếc ấy tồn tại, và những người như Kerimov sử dụng bóng đá cũng như hình ảnh của Eto'o để xua đi những gì người ta đã nghe trước đó về khu vực Trung Á thuộc Nga đầy bất ổn và bạo lực. Bóng đá trở thành một công cụ chính trị, và những Eto'o, Zhirkov hay Roberto Carlos được sử dụng như những phương tiện đặc biệt nhằm cải tạo hình ảnh của một vùng đất không bình thường trong con mắt Phương Tây. Không còn nghi ngờ gì nữa, Eto'o sẽ trở thành ngọn cờ đầu của bóng đá Trung Á, sẽ trở thành một công cụ thu hút sự chú ý của dư luận tới đó, nơi hiện tại chỉ có ý nghĩa về mặt địa lí từ cái tên, nhưng sau sẽ thành một định danh thể thao.
Anh Ngọc (TT&VH)