Nguyên nhân bắt nguồn từ phong cách chiến thuật mà HLV Calisto xây dựng cho đội tuyển quốc gia và tuyển U23. Bóng đá Bồ Đào Nha – quê hương của HLV Calisto có đặc sản là các tiền vệ cánh và hàng chục năm nay thiếu một gương mặt tầm cỡ sắm vai trung phong. Những cái tên như Pauleta, Hugo Almeida hay Postiga chưa bao giờ được đánh giá là những tiền đạo cắm hàng đầu của bóng đá châu Âu và thế giới. Cách làm bóng đá của người Bồ Đào Nha được HLV Calisto truyền bá sang Việt Nam. Và do vậy, “phiên bản” Đông Nam Á rõ ràng cũng phải có những khiếm khuyết tương tự.
Có thời, HLV Calisto đi tới từng CLB thuyết phục rằng tất cả nên áp dụng sơ đồ chiến thuật 4-5-1 để các cầu thủ khỏi bỡ ngỡ khi được gọi lên khoác áo đội tuyển. Rất nhiều nơi đã nghe theo và chỉ sử dụng duy nhất một tiền đạo trong đội hình xuất phát. Các tiền đạo nội vốn đã gặp bất lợi khi phải cạnh tranh với ngoại binh thì lại càng tỏ ra thất thế. Muốn được thi đấu, họ phải học cách chơi ở những vị trí xa khung thành đối phương và điều đó cũng đồng nghĩa với việc tự làm giảm đi sự nhạy bén săn bàn. Từ Công Vinh, Quang Hải cho tới Sỹ Mạnh, Đình Tùng đều đã phải chơi như các tiền vệ trong màu áo CLB ở những thời điểm khác nhau.
Sau khoảng thời gian không hề ngắn gắn bó với phong cách Calisto, ĐTVN đã gặt hái được những thành công nhưng đổi lại, chúng ta phải đón nhận những hậu quả về mặt con người. Đó là việc cả nền bóng đá không kiếm đâu ra một trung phong điển hình có phong độ thực sự ổn định. Tân HLV Goetz cùng với tất cả các chiến thuật gia làm việc ở các CLB đang phải đối mặt với bài toán hóc búa này. Tạo ra các trung phong đạt yêu cầu không thể là chuyện một sớm, một chiều và cần rất nhiều nỗ lực cũng như các kế hoạch đồng bộ của cả nền bóng đá.
Xét trên một khía cạnh nào đó, việc phải chia tay với HLV Calisto hồi đầu năm sẽ là cơ hội tốt để bóng đá Việt Nam vá lại những bất cập của mình. HLV Goetz với tư duy châu Âu điển hình, ưa thích sử dụng hai tiền đạo trong đội hình xuất phát nên nếu như có đủ thời gian thì ông sẽ lại giúp bóng đá nước ta tìm ra các tiền đạo xuất sắc thực thụ.
Hãy nhớ lại triều đại của HLV Riedl – người có phong cách khá tương đồng với ông Goetz. Khi ấy, ĐTVN cũng như các lứa trẻ đều có những tiền đạo tốt và dễ dàng hơn rất nhiều trong việc tìm kiếm bàn thắng. Triều đại Calisto mang đến thành công lớn nhất nhưng nên nhớ rằng điều đó có đóng góp của sự may mắn. Phần lớn thời gian dưới thời ông Tô, các đội tuyển của chúng ta bị cho là giỏi đập nhả, phối hợp nhóm nhưng lại rườm rà và thiếu sự hiệu quả trước khung thành.
Mỗi sự thay đổi đều có măt tích cực của nó và hãy chờ đợi những điểm khác biệt rõ nét hơn trong triều đại của HLV Falko Goetz. Cụ thể là sự hồi sinh của các tiền đạo cắm!
Xzone.vn