Bây giờ, một lần nữa, cái lý do “muôn năm cũ” ấy lại được lôi ra. Nhưng nghiêm trọng hơn, người đưa ra nó và thừa nhận không thể giải quyết nổi lại chính là HLV Capello.
Bài toán không lời giải
“Vấn đề của ĐT Anh à? Đơn giản đó là sự mệt mỏi. Nhưng muốn giải quyết nó thì hãy gặp ông Chủ tịch FA (LĐBĐ Anh)”.
Không biết có bao nhiêu người Anh sẽ “lộn ruột” khi nghe tuyên bố thiếu trách nhiệm này của Capello. Bởi một HLV thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm về công tác chuẩn bị thể lực. Vậy mà Capello lại làm như thể ông chẳng liên quan.
Nghe qua thì đúng là phi lý. Nhưng ngẫm lại thì mới thông cảm cho Capello. Vì đúng là ông chẳng làm gì nổi với những cậu học trò mà cứ mỗi hè lên Tuyển, tâm trí lại chỉ dồn hết vào những bãi biển, những quần đảo hay các bar, sàn… Đơn giản vì vào mùa Hè, cánh cầu thủ Anh đều bị stress nặng về tâm lý và hao mòn về thể lực rồi.
Capello bó tay với Tuyển Anh
Đó chính là hậu quả của một Premiership hấp dẫn bậc nhất nhưng cũng quyết liệt và tàn phá sức bậc nhất. Capello rõ ràng không thể thay đổi được lịch thi đấu hay phong cách thi đấu ở Premiership. Và do đó, trách nhiệm phải chuyển về FA?
Nhưng nếu cãi lý thì FA cũng có cớ để vặn Capello. Vì họ đã chi tới 6 triệu bảng/năm không phải để rồi ông cũng viện ra những lý do mà nhiều đời HLV trước đã đề cập tới. 6 triệu phải tạo ra sự khác biệt. Và nhất là với 6 triệu thì lẽ ra Capello nên biết đánh giá đúng mức hơn xem trong các học trò, ai còn “pin”, ai đã cạn, thay vì cứ bê nguyên công thức cũ với toàn Terry, Ashley Cole, Johnson, hay Lampard, Bent… những người đã quá mệt mỏi. Sao những suất ấy không dành cho những chàng trai trẻ trung, dư thừa sức lực hơn như Dawson, Baines hay Ashley Young chẳng hạn?
Trẻ hóa?
15 năm đã qua kể từ lần cuối cùng ĐT Anh vào bán kết một giải đấu lớn. Trong 15 năm ấy, họ đã kỳ vọng quá nhiều vào thế hệ vàng với những Gerrard, Lampard, Terry, Owen… để rồi liên tục phải thất vọng. Vậy sao không mạnh dạn gạt bỏ hoàn toàn thế hệ ấy, tìm hướng đi mới?
Có lẽ, Capello nên học hỏi các đồng nghiệp bên ĐT Đức. Nhiều thời điểm, có những tuyến của ĐT Đức chỉ gồm toàn lính U23.
Hẳn nhiên, sẽ có người nói cầu thủ trẻ Anh không giỏi bằng cầu thủ trẻ Đức. Nhưng nếu không được trao cơ hội, Oezil, Muller hay Khedira liệu có trưởng thành nhanh đến thế?
Ở Anh không thiếu tài năng trẻ. Những Henderson, Phil Jones, Smalling, Wilshere, Walcott, Hart, Carroll, Albrighton... hay lứa “bớt trẻ” hơn như Ashley Young, Cahill, Downing, Milner, Agbonlahor... có thể chưa bằng Gerrard, Lampard, Terry, Ferdinand về kinh nghiệm, tài năng nhưng họ ăn đứt ở sức lực và khát khao. Vả chăng, khi đã xoay đủ cách với một phương án cũ mà vẫn bất thành thì tại sao không thử đập đi, làm lại? Suy cho cùng, tệ nhất thì cũng chỉ là thất bại, như hàng chục năm nay Tam Sư vẫn thế đấy thôi!
BongdaPlus