Tự do trong khuôn khổ
Trong một cuộc gặp gỡ bạn bè, anh Tuấn đã tự giới thiệu: “Mình năm nay xấp xỉ 40 tuổi, có một vợ hai con, việc làm ổn định. Thông báo với mọi người mình đang là “MBA”. Cả nhóm nhao lên, mấy cô đồng nghiệp cười ngặt nghẽo. “MBA” ở đây không phải là tấm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh mà tạm dịch là “đã kết hôn nhưng còn giá trị” (tiếng Anh là Marriage but available).
Những người đi làm coi đó là một cơ hội để sống cho mình. Họ có gia đình ở nhà, nhưng ở cơ quan như còn độc thân nên vẫn có quyền “sử dụng”. Có những người sinh hoạt trong nhóm “độc thân ban ngày”, sáng dắt xe ra khỏi nhà, có thể làm việc, vui chơi thoải mái, không cần nhớ đến việc mình là người có gia đình, bận rộn. Chỉ hết giờ hành chính là họ trở về nhà, sống tận tụy với vai trò làm chồng làm vợ. Điện thoại di động ban ngày nhạc chuông rộn rã, chiều về nhà là cài chế độ rung. Hoàng hôn xuống, chỉ còn gia đình và con cái.
Có những người một tuần năm ngày làm việc và sống tự do như vẫn độc thân. Cuối tuần có vợ có chồng nên họ trở thành người hoàn toàn khác. Chồng làm việc ở xa, thỉnh thoảng mới về đôi ba bữa. Họ lóng nga lóng ngóng với vai trò “thỉnh thoảng” của mình.
Chiều thứ sáu, đang ngồi ở cơ quan thì chuông điện thoại reo làm chị Thu (Hải Phòng) giật mình, luống cuống, giống như cảm giác hoảng hồn vì ăn vụng bị bắt quả tang, chân tay chị run run, lóng ngóng khiến cho mấy đứa trong phòng thích thú chọc ghẹo. Vậy là tạm chấm dứt năm ngày tự do, chị đang về “sắm vai” người vợ đảm. Chồng chị đi công trình xa nên mỗi tuần chỉ ở nhà hai ngày. Hình như chị cũng thế.
Những ngày không có chồng, cuộc sống của chị Thu đơn giản đi rất nhiều. Thằng cu con đã có cô giúp việc lo, chị hay đi công tác nên nó quen ngủ không cần mẹ. Chị nghe nói: “Dân công trình là sống tạm thời và hơi bừa bộn”. Chị cũng lo lo nhưng lại không muốn mang phần thiệt cho mình. Vậy là trong những ngày không có chồng ở nhà, chị sống vui hết mình. Hết công việc, khách hàng, lại bạn bè bù khú. Chị ít khi ăn cơm nhà. Nhưng chị không muốn chồng biết mình “chẳng thua kém”, nên cố tỏ ra rất khổ sở, chỉn chu khi có anh ở nhà. Chị muốn anh thấy khi chồng ở xa, chị buồn bã, tất bật, việc gì cũng tới tay, lại nhớ mong chồng tha thiết. Chị muốn anh thấy chị tần tảo, gọn ghẽ thu vén cho gia đình. Chị muốn anh nghĩ chị đang hy sinh bản thân mình cho gia đình và anh phải áy náy nếu làm gì không phải. Chị muốn anh thấy chị sống vì anh mà “học tập”.
Sự tù túng của khuôn khổ
Chị giúp việc là “quân ta” nên mỗi lần anh chồng gọi điện thoại bàn đều biết cách “thoát kiểm tra”, “chị mới ra khỏi nhà, hay còn đi tắm”. Anh không biết năm ngày ở nhà thì chị Thu đi sớm về khuya, bạn bè, công việc. Chị Thu sợ chồng mình phát hiện ra cuộc sống độc thân trong những ngày ở nhà một mình. Chị sợ anh “đi guốc trong bụng mình” nên càng phải đối phó.
Những ngày chồng ở nhà, chị Thu một tay đi chợ, nấu ăn; chị giúp việc rảnh rang bồng cu Tý đi chơi. Thực lòng đôi khi chị không muốn có chồng ở nhà. Sao mà tù túng! Cả một tuần chị được người ta phục vụ, hai ngày có chồng chị lại phải cố “đổi ngôi”. Đó là chưa kể chuyện ăn mặc, tám điện thoại, vào mạng chat với bạn bè. Chị Thu thấy gượng gạo, giống như nhà mình có khách.
Anh Quang (Hà Nội) lại thấy bị tù túng khi gia đình anh tự nhiên thay đổi lịch “hoạt động”. Anh công tác cách nhà mấy chục cây số. Trước đây cả nhà mong ngóng kỳ nghỉ anh về, làm “dân thường” thoải mái chút. Từ ngày thằng con trai lớn vào tuổi “ương ương”, vợ anh lại muốn cho nó vào “những ngày làm chiến sĩ” để rèn luyện kỉ luật. Vậy là cứ thứ bảy, ba mẹ con chị Hà lại lên đường “nhập ngũ”. Cuối tuần cả nhà “đóng quân” ở đơn vị của ba.
Vậy là anh Quang năm ngày ở đơn vị làm thủ trưởng, hai ngày làm tham mưu cho gia đình tại đơn vị của mình. Anh đã quen với cuộc sống bộ đội đã nói là phải làm, đến bữa phải ăn, đến giờ là phải ngủ. Anh em trong đơn vị thấy chỉ huy là một tấm gương “oai phong” là thế. Hai ngày cuối tuần, hình ảnh làm chồng của anh trái ngược, thật gượng gạo. Anh không dám nói to với vợ, sợ vợ làm mình làm mẩy. Anh quát con lại sợ nó gào lên ăn vạ. Anh thấy làm chồng thật khó chịu. Nhẹ nhàng quá sợ mang tiếng chỉ huy gì mà “nhu nhược”, nghiêm khắc với vợ con thì bị phàn nàn “bộ đội không thương dân”.
Làm độc thân nửa vời thật lắm mâu thuẫn. Khi thì họ muốn mình rảnh rang để muốn làm gì cũng được, khi họ muốn chỉn chu để vun vén cho gia đình. Họ phải đấu tranh với “quyền lợi” của chính mình. Thời gian sống không có vợ có chồng bên cạnh nhiều hơn nên họ quen tự do và hơi “vô kỷ luật”.
Nếu so sánh hiệu quả của công việc, chắc chắn những ngày “độc thân” sẽ hiệu quả hơn nhiều. Những ngày nghỉ, có gia đình vợ chồng con cái, họ thấy mình chỉn chu và có trách nhiệm hơn. Cảm xúc yêu thương, giận hờn, lo lắng cũng nhiều hơn. Họ cảm thấy cuộc sống tâm hồn phong phú. Họ thấy mình biết thích nghi với người khác, khéo léo hơn, cho dù đôi khi phải đối phó. Và họ thấy vai trò của mình quan trọng với chồng, với vợ của mình.
Cuộc sống “hai vai” có những phút áy náy, giằng co, có chút gượng gạo khi phải sắm vai của người gương mẫu, có cả cảm giác hồi hộp khi vai diễn thành công của mình. Nhưng nếu cứ kéo mãi những ngày tháng “hai vai”, cuộc sống vợ chồng sẽ mất đi sự chân thật. Cảm giác có lỗi khi mình sống cho mình nhiều hơn cho gia đình, cho người khác, sẽ làm lụi tàn cảm giác hạnh phúc của sự đợi chờ. Thời gian bên nhau họ sẽ không thấy thoải mái, thật lòng.
Khi tự do họ lại nghĩ đến những ngày sống cho gia đình. Những ngày sống cho gia đình họ lại thèm cảm giác tự do của những ngày rảnh rỗi. Cứ như vậy, vừa độc thân, vừa thỉnh thoảng làm chồng làm vợ, thật khó có những giây phút bình yên để sống. Những đứa trẻ lớn lên với người bố, người mẹ sống chập chờn trong vai trò của mình, chúng cũng phải đối phó với việc “sắm vai” của người lớn, cũng phải thích nghi và đôi khi làm đồng minh để nói dối.
Cho dù vợ chồng mỗi người một nơi là một thử thách lớn, nhưng nếu biết chia sẻ cảm giác nhớ nhung và quan tâm vừa đủ thì đây cũng là cơ hội để làm mới mãi một gia đình.
“MBA” là bằng quản trị cuộc sống mình, đừng cho phép người khác sử dụng giá trị của một người đã có gia đình vào cuộc sống của những người độc thân.
PNO