Tài Em (trái) đã 30 tuổi và cũng không còn nhiều khát vọng với đội tuyển
Có một thực tế là nhiều cầu thủ được gọi chẳng mấy hào hứng với đợt tập trung này. Thậm chí, vài người “được” gạt ra khỏi danh sách còn thở phào nhẹ nhõm. Đây đang là giai đoạn quan trọng nhất của mùa giải, các CLB cũng chẳng hứng thú gì với việc.. nhả quân. Ai cũng hiểu việc phải dứt ra để đi đá hai trận… vô thưởng vô phạt chỉ làm mất thời gian, chứ không mang lại ý nghĩa gì lắm với những cựu binh của đội tuyển. Tại sao chúng ta lại có quyết định như vậy? Bóng đá Việt Nam muốn ra biển lớn thì chúng ta phải tính đến sự đầu tư chiến lược dài hơi, chứ sao chỉ tính đến chuyện cử một đội bóng già thi đấu… cho xong.
Tình hình ở ĐT U23 thì khác. VFF vừa gom được một lứa được cho là rất có tiềm năng, phục vụ cho việc chinh phục SEA Games 26 vào cuối năm. Tất nhiên, Olympic cũng là một đấu trường rất khó để với tới, nhưng ít nhất, đó cũng là cơ hội để lớp trẻ ấy được va chạm, được tôi luyện với những đối thủ mạnh. Và có lẽ sẽ tốt hơn nữa, nếu lứa cầu thủ này được đọ sức với những đàn anh ở đẳng cấp cao hơn, đến từ những nền bóng đá mạnh khác. Nó sẽ thật sự có ý nghĩa với họ và với cả tương lai của họ.
Còn ĐTVN chúng ta cử toàn “cựu binh” đi để làm gì? Rèn kỹ năng? Điều đó là thừa. Tích lũy kinh nghiệm? Đâu có cần thiết với một đội hình đa số đã đến tuổi xế chiều của sự nghiệp thi đấu và không ít trong số ấy sẽ từ giã đội tuyển nay mai. Nó cần thiết hơn nhiều với những cầu thủ trẻ, thế hệ được coi là tương lai gần của bóng đá Việt Nam!
Bóng đá Iran từng dồn tất cả sự đầu tư cho thế hệ trẻ, đá vòng loại năm 1974, để rồi 4 năm sau, lứa ấy “chín” và giúp quốc gia này lần đầu tiên tham dự World Cup. Còn Trung Quốc, cũng phải nhắm đến một thế hệ tài năng như Sun Jihai, Li Tie, Li Weifeng, Hao Haidong (khi ấy đều mười chín đôi mươi)… chinh chiến khắp nơi để khi đặt chân được tới Nhật Bản - Hàn Quốc 2002, thì độ tuổi trung bình đã là 27.
Bóng đá Việt Nam thì sao? Chẳng lẽ tương lai trông cả vào lớp cầu thủ quá lứa?
ANTĐ