Thế nhưng vẫn phải thấy, trong nghệ thuật nói chung và âm nhạc nói riêng, nếu chỉ có lòng và nỗ lực thôi thì... không đủ.
Sắt son...
Ở một thế giới lộng lẫy và đầy rẫy những chông chênh như làng giải trí thì rất khó để lý giải cho bất kỳ sự nổi tiếng hay tắt tiếng nào. Mọi thứ cứ phập phù, nửa hư nửa thực, sáng đó tắt đó, thoắt ẩn thoắt hiện, tưởng sẽ nổi lên được nhưng đợi mãi vẫn không thấy hay có những sự nổi lên làm người khác phải giật mình.
Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng hợp tác trong album Sa mạc tình yêu
Một ví dụ cụ thể như Nguyễn Phi Hùng, mới hôm trước người ta chưa kịp biết đến anh là ai. Chỉ sau một đêm bà bầu Thủy Nguyễn “đốt tiền” tỷ vào một live show tại Nhà văn hóa Thanh Niên vào năm 2000, Nguyễn Phi Hùng trở thành hoàng tử. Hay như Ngọc Anh (3A), sở hữu một giọng hát da diết đến bỏng khát và đủ năng lực làm người nghe phải điếng người nhưng cứ bảy nổi ba chìm. Khi còn ở với 3A, cô không bật lên được là chuyện đã đành, khi tách ra rồi, cô hát mãi cũng không được biết đến nhiều hơn. Người ta có thể biết có cô ca sĩ mang tên Ngọc Anh hát nhạc Phú Quang rất hay nhưng cái tên ấy vẫn cứ co cụm trong một bộ phận khán giả cực kỳ bé nhỏ trong suốt nhiều năm liền. Tưởng thế đã là xong, đột nhiên cô bừng sáng, nghe đâu còn đang là diva của một trung tâm âm nhạc ở hải ngoại. Nhiều người trong làng giải trí vẫn hay đùa nhau rằng, nghề của họ chẳng khác như canh bạc, danh tiếng, tiền bạc đều được phó thác vào cái số, đỏ nhờ, đen chịu.
Phải thấy rằng, Đàm Vĩnh Hưng hát không tồi nếu không muốn nói anh có tố chất của một giọng ca thiên phú. Giọng Hưng có màu sắc, có chất khàn đục đặc trưng, âm vực rộng mở cùng làn hơi cực khỏe. Ít nhất đủ để anh vẫn có thể tung tẩy, nghịch ngợm khi đang ở cao trào (điều mà không ít ca sĩ ở ta thường hay chới với).
Hẳn nhiên, nếu xét nét hơn thì giọng của Đàm Vĩnh Hưng vẫn đầy rẫy những khuyết điểm (phát âm đôi chỗ bị lỗi, hát thiên về bản năng, có sao hát vậy, xử lý ca khúc thiếu tinh tế nên âm thanh phát ra lắm khi chói và phô…) nhưng chỉ cần có thế cùng với thứ cảm xúc mà Hưng có được khi thể hiện (nhất là với những ca khúc não lòng) là quá đủ để anh đi được vào lòng người. Và chúng ta cũng không nên xét nét quá làm gì bởi đâu ít những giọng hát chỉn chu, mực thước được nhào nặn đến nát tay từ các nhạc viện cũng đâu thể phục vụ cho ai bởi những âm thanh mà họ phát ra không làm ai lay động. Yêu cầu cơ bản của một ca sĩ là hát phải có tình cảm hay người ta vẫn gọi nôm na là hát có hồn. Điều này ít nhiều Hưng có nếu chẳng muốn nói giọng của anh có thứ đáng để nghe hơn những Lam Trường, Đan Trường, Quang Dũng…
Lại phải nói thêm, với một giọng hát như thế nhưng ngay cả khi Đàm Vĩnh Hưng bắt đầu nổi tiếng thì anh cũng phải đối diện với những tin đồn nghiệt ngã. Người ta đồn Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng nhờ “cặp” với danh hài hải ngoại Hoài Linh và được nghệ sĩ này đổ công, đổ của ra lăng xê. Nghiệt ngã hơn nữa, có thời người trong giới showbiz còn truyền tai nhau rằng Đàm Vĩnh Hưng khi được chút ít thành công và danh tiếng đã vội vàng rũ bỏ...tình xưa. Nói thế chỉ để khẳng định rằng, để có được vị trí như hiện nay, Đàm Vĩnh Hưng đã mất mát không ít thứ, trong đó có niềm vui, sức lực của tuổi trẻ, và cả danh dự của mình.
Trước đó, Đàm Vĩnh Hưng phải chầu chực tại các tụ điểm để xin và đợi hát. Không ít lần anh hay bị các bầu show rẻ rúng, xem thường… Điều này làm Đàm Vĩnh Hưng tổn thương rất sâu. Phàm, con người ta, đặc biệt là với nghệ sĩ vốn hay nhạy cảm nên thường nhớ rất lâu và kỹ về những tổn thương mà người khác đã gây cho mình nên không khó hiểu sau khi trở thành ông vua của làng giải trí, khi nhất cử nhất động của anh được công chúng chú ý, báo chí quan tâm, Đàm Vĩnh Hưng thường hay nhớ về quá khứ mà hiểu theo một nghĩa nào đó là kiểu mà người ta quen gọi là trả thù đời. Anh hay ăn nói bạt mạng trên các mặt báo và có những phát biểu mà những ai tỉnh táo, họ xem đó là sự lộng ngôn, xem trời bằng vung.
Ở góc độ khác, những gì Đàm Vĩnh Hưng thể hiện trên các mặt báo cho thấy anh là người sống rất thật thà với cảm xúc (nghĩ sao nói vậy, vui bảo vui, buồn bảo buồn, thậm chí đang tức tối, đang điên lên cũng chẳng buồn che đậy, giấu giếm…). Xét cho cùng, thái độ đó cũng chỉ là biểu hiện của sự mong manh, yếu đuối. Khi người ta dễ tổn thương, dễ đau đớn thì thường hay xù lông, "nhảy dựng" lên theo bản năng tự vệ trước những điều làm họ có cảm giác bị tấn công, thiếu an toàn chứ thực ra anh cũng chẳng hung hăng, ghê gớm gì.
Ấy chưa kể, cái sự "ghê gớm" (nếu có) của Đàm Vĩnh Hưng trên các mặt báo có phần "góp công" khá lớn của giới truyền thông. Có một sự thật là giờ đây, khi “nắm” được Đàm Vĩnh Hưng là “chưởng môn” của môn phái ăn nói hớ hênh, không ít phóng viên mỗi khi “tịt ngòi”, bí đề tài, họ nghĩ ngay đến Đàm Vĩnh Hưng. Họ biết khi gặp Hưng sẽ có thứ mang về để gây sốc trên báo.
Theo thời gian, số lượng của những bài như thế ngày một dày, hình ảnh của Đàm Vĩnh Hưng mỗi ngày một xấu đi trong mắt của không ít người cũng là vì vậy. Đến mức, Đàm Vĩnh Hưng lâu nay được dư luận “liệt ngầm” vào giới đồng tính nhưng ngay cả giới này cũng không vì thế mà họ cảm thấy hãnh diện, tự hào. Ngược lại, đầy rẫy trên các diễn đàn đồng tính người ta không ngần ngại đay nghiến, “sát phạt” Đàm Vĩnh Hưng, người ta xem anh là “tội đồ”, là kẻ làm ảnh hưởng hình ảnh của họ đối với một xã hội vốn còn nhiều kỳ thị.
Thế nhưng, nếu chịu nhìn kỹ sẽ thấy Đàm Vĩnh Hưng là người có lòng, có tâm với nghề. Hay dở chưa tính nhưng với những gì Đàm Vĩnh Hưng đã làm người ta có thể thấy anh rất chịu đầu tư cho nghề nghiệp. Anh nắn nót cho từng sản phẩm đến cầu kỳ, mỗi lần xuất hiện trên sân khấu anh cũng chuẩn bị kỹ càng đến từng chi tiết cho phần hình ảnh.
Bên cạnh đó, Hưng còn là một đàn anh tốt bụng. Không thể phủ nhận, Hưng đã giúp đỡ rất nhiều người. Không ít các nghệ sĩ thân thiết với Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ rằng họ được anh quan tâm, chăm sóc chu đáo. Rõ nét hơn là tình cảm mà anh dành cho Thanh Lam. Khi bước vào nghề, anh tuyên bố Thanh Lam là thần tượng của mình thì đến giờ vẫn vậy. Để giữ được mối quan hệ đẹp đẽ như thế trong ngần ấy năm trời không phải dễ - nhất là khi giới showbiz lâu nay luôn gắn liền với những đổ vỡ.
Nhưng không đủ
Mối quan hệ đẹp đẽ Hưng- Lam được thể hiện qua album Sa mạc tình yêu - dự án mà Đàm Vĩnh Hưng muốn lưu lại kỷ niệm với thần tượng của mình. Đúng như vị trí của một bà hoàng, Thanh Lam gần như chẳng làm gì ngoại việc lấy hơi và cất giọng, mọi khoản mọi khâu còn lại đều được Đàm Vĩnh Hưng đôn đáo chu toàn. Từ biên tập bài vở đến thu âm, chụp ảnh, phát hành…đều do một tay Hưng lo tất.
Thậm chí nghe đâu Đàm Vĩnh Hưng còn phải lo đưa rước, kể cả năn nỉ Thanh Lam. Với những gì giới truyền thông đề cập trong những ngày gần đây, người ta dễ dàng liên tưởng đến hình ảnh của một người em mẫn cán đi phục vụ, chăm sóc cho chị mình. Phải thừa nhận, đó là một hình ảnh đẹp được xuất phát từ những tình cảm chân thành. Trên hết, nó còn là biểu hiện của sự son sắt - thứ cực hiếm trong làng showbiz ở ta.
Theo lẽ thường, thần tượng phải gây được ảnh hưởng với fan hâm mộ hay đàn chị phải chỉ vẽ cho đàn em nhưng ở trường hợp này, người ta dễ dàng nhìn thấy một vị thế ngược. Hãy liên tưởng đến dự án Vì ta cần nhau của Hồng Nhung và Quang Dũng vào năm 2006, một sự kết hợp na ná với Thanh Lam và Đàm Vĩnh Hưng lần này. Dù bị dân trong nghề cho đó là bước lùi rất sâu của Hồng Nhung nhưng rõ ràng, Hồng Nhung vẫn là người làm chủ cuộc chơi. Cô không đánh mất mình cho Quang Dũng nếu chẳng muốn nói, cô là người tạo ra luật chơi và “lôi cuốn” Quang Dũng vào đấy. Sa mạc tình yêu thì khác.
Hưng có giọng nhưng lại thiếu nền tảng và tư duy âm nhạc. Với những gì mà anh đã bày biện ra người kỹ tính họ gọi đó là lối hát tạp nham và suồng sã. Với một giọng hát như thế Đàm Vĩnh Hưng có thể xưng vương ở chiếu giải trí nhưng với những gì thuộc về đẳng cấp thì chưa. Hẳn nhiên, nếu muốn Đàm Vĩnh Hưng hoàn toàn có quyền với tới để thỏa mãn khao khát nhưng có lẽ khán giả ở thị phần ấy sẽ khó chấp nhận anh.
Hưng không định vị được Lam là ai, đang đứng đâu và cần gì. Sở dĩ Lam được ai đó đưa vào đền để trở thành bà hoàng của nhạc nhẹ là bởi đường hướng âm nhạc của Thanh Lam rất rạch ròi, rõ nét. Không những thế, cô được xem là kẻ tiên phong trong việc tìm tòi, sáng tạo để làm ra cái mới. Cái mới thường rất kén khán giả bởi đặc tính của đám đông là nghe nhạc theo thói quen. Phần lớn khán giả của Lam rất “tinh” và chịu va chạm với cái mới nên chưa bao giờ mang tính đại chúng và nếu chịu nhìn kỹ, trên các diễn đàn âm nhạc, khán giả của Đàm Vĩnh Hưng cũng la ó vì không chấp nhận Thanh Lam. Và điều gì tới đã tới.
Nếu như Đàm Vĩnh Hưng từng quay về với nhạc xưa thì ở lần này, anh dắt tay Lam bước vào những ca khúc cũ mèm đã gắn liền tên tuổi bởi những danh ca hải ngoại của vài thập niên về trước được remix lại (Sa mạc tình yêu, Rồi mai tôi đưa em, Tình đẹp như mơ…). Để có thêm tính đa dạng, nhiều màu sắc cho album, Đàm Vĩnh Hưng cho Thanh Lam hát thêm tý ca khúc tiếng Anh, nhồi thêm vào đó là một ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam bộ của nhạc sĩ Trần Tiến (Ngựa ô thương nhớ). Thừa nhận rằng, Thanh Lam ít nhiều vẫn còn chất của mình cộng thêm sự thể hiện có phần lạ lẫm hơn nhưng rõ ràng những thể loại âm nhạc ấy không phải là thế mạnh của Thanh Lam.
Không khó để thấy, đây là một album được biên tập non tay nên khá lởm khởm bởi sự chỏi nhau giữa các phong cách âm nhạc. Một trong những sự dại dột nhất của ca sĩ là đi từ bỏ cái thế mạnh của mình để trở thành cái bóng nhạt nhòa cho giá trị đã cũ. Với vị trí như Thanh Lam, là người có ảnh hưởng cho các thế hệ đàn em lại càng là điều không nên. Tiếc là cô đã làm vậy.
Dù vẫn phải thừa nhận, Sa mạc tình yêu là một album nghe được so với mặt bằng chung, nhưng đó lại không phải là một sản phẩm mà khán giả của Thanh Lam chờ đợi.
Thể thao TPHCM