Argentina là bá chủ của Copa America trong suốt chiều dài lịch sử, kể từ khi giải còn mang tên Giải vô địch các quốc gia Nam Mỹ: Họ, cùng với Uruguay hiện đang giữ kỷ lục 14 lần vô địch. Nhưng Copa America đương đại là của người Brazil: Họ đã vô địch 4 trong 5 kỳ Copa gần nhất, và đang hướng đến chiếc Cúp thứ ba liên tiếp.
Hai trận chung kết gần nhất, đội thua trận đều là Argentina. Thậm chí, ở kỳ Copa 2007, Brazil đã đè bẹp kình địch ba bàn không gỡ. Trong 4/5 kỳ Copa gần nhất, Brazil không chỉ nâng cao Cúp vô địch, mà những cầu thủ hay nhất của Copa cũng là của họ.
Năm 1999, 3 chân sút hàng đầu của Copa là Ronaldo, Rivaldo (cùng 5 bàn) và Marcio Amoroso (4 bàn) đều của Brazil, đứng ngay phía trên Martin Palermo (3 bàn), người đã làm xấu mặt Argentina sau khi đá trượt đến 3 quả penalty ở trận gặp Colombia!. Năm 2004, Adriano là kẻ dội bom số một, với 7 bàn (đứng sau lại là hai cầu thủ Argentina khác là Kily Gonzalez và Saviola, cùng 3 bàn). Năm 2007, đến lượt Robinho tỏa sáng (6 bàn), và anh đoạt danh hiệu Vua phá lưới với chỉ một bàn nhiều hơn... một người Argentina khác là Juan Roman Riquelme.
Họ luôn là những đối thủ không đội trời chung
Brazil rõ ràng là một chướng ngại khổng lồ với Argentina trong kỷ nguyên Copa America đương đại. Họ vượt trội cả về cá nhân, lẫn sức mạnh tập thể, có thể đánh bại Argentina sau những trận đấu tâm lý dằng dai (năm 2004, Brazil đánh bại Argentina trên chấm phạt đền), lẫn chớp nhoáng (3-0 ở trận chung kết 2007). Sự hình thành cơn khát 18 năm ở Copa America của Argentina có "vai trò" không nhỏ của đội tuyển Brazil.
Argentina đã đuổi kịp hiện tại
Nhưng trước khi kỷ nguyên Copa America bắt đầu, Argentina, cùng với Uruguay, là hai thế lực tuyệt đối ở Nam Mỹ. 12 chức vô địch của Argentina giành được đến ở thời kỳ mà giải bắt đầu mang tên Copa America. Nhưng cho đến khi bóng đá Nam Mỹ bắt đầu chuyển mình, sau khi những kìm kẹp của chế độ độc tài (từ năm 1975 đến 1983, giải thậm chí còn không có quốc gia đăng cai) bị bẻ gãy, và với sự du nhập của tư duy châu Âu, Brazil bắt đầu lớn mạnh, trở thành tấm vách ngăn giữa Argentina và vinh quang.
Sự phát triển chóng mặt của bóng đá Brazil ở Nam Mỹ nói riêng và thế giới nói chung bắt đầu khi bóng đá chuyên nghiệp được mở rộng ra toàn thế giới, và chất lượng cầu thủ từ xứ sở Samba được tín nhiệm ở mọi nơi: Trong vài thập kỷ qua, số lượng cầu thủ Brazil xuất khẩu luôn là số một Thế giới. Đó là một minh chứng rõ rệt cho sự quảng giao, tính thích ứng, và độ tự tin, bạo dạn với kỹ thuật thiên bẩm của những người Brazil.
Trái lại, vào thời điểm giải vô địch Nam Mỹ tồn tại trong một không khí ngột ngạt và khép kín của nửa đầu thế kỷ trước, Argentina và Uruguay đã "tranh thủ" xây dựng những tượng đài trên bảng vàng vinh quang của Copa, nhưng khi bóng đá bắt đầu thấm đẫm hơi thở cạnh tranh, thì Brazil mới là số một: 5/8 chức vô địch của Brazil ở giải đấu có 95 năm lịch sử (giải cấp châu lục lâu đời nhất thế giới) đến trong 36 năm của kỷ nguyên Copa America.
Tính cạnh tranh của Brazil và Argentina trong những năm qua, thực chất là một cuộc so kè của hai dòng chảy tài năng lớn nhất của khu vực Nam Mỹ ra toàn Thế giới, mà điển hình nhất là dòng chảy ra châu Âu, trung tâm của bóng đá Thế giới. Nó không chỉ biểu lộ qua số lượng xuất khẩu cầu thủ số một thế giới mà người Brazil thống trị trong nhiều năm qua, mà còn ở cả chất lượng: Từ năm 1997 tới nay (trong giai đoạn này, Brazil đã giành đến 4 chức VĐ Copa America), người Brazil đã sở hữu tổng cộng 5 Quả bóng Vàng (Ronaldo các năm 1997 và 2002, Rivaldo 1999, Ronaldinho 2005 và Kaka 2007). Cần phải biết rằng trước khi Messi xuất hiện, người Argentina chưa từng giành được Quả bóng vàng.
Nhưng 4 năm qua, sau lần gần nhất Brazil đăng quang, cũng đã đánh dấu một bước biến chuyển lớn trong dòng chảy nhân lực giữa Brazil - Argentina: Cuối năm ngoái, Argentina chính thức vượt mặt Brazil để trở thành nước xuất khẩu cầu thủ số một Thế giới, và cầu thủ hay nhất của đất nước này, Lionel Messi, hai lần trở thành cầu thủ số một thế giới. Đối trọng mà người Brazil đem đến kỳ Copa lần này để đặt cạnh Messi của Argentina, không phải là Ronaldo, Ronaldinho..., mà chỉ là Neymar, và Ganso..., những "viên ngọc thô" mới chỉ được thừa nhận ở Nam Mỹ.
Và sau những năm tháng ôm lấy lịch sử và hoài niệm, đã đến lúc Argentina đuổi kịp đương đại. Vượt qua Brazil là một nhiệm vụ bắt buộc mà lịch sử huy hoàng đã giao phó cho họ, trong hiện tại.
Brazil - Argentina, sự thù địch "vĩ đại"
Họ là hai kình địch lớn, không chỉ trong thể thao. Mối bất đồng giữa những người Argentina và người Brazil bắt đầu từ trước khi bóng đá trở nên phổ biến ở cả hai quốc gia này, xuất hiện trong quá trình thuộc địa hóa Nam Mỹ, khi giữa TBN (có thuộc địa cũ là Argentina) và BĐN (có thuộc địa cũ là Brazil) thường xuyên xảy ra chiến tranh để tranh chấp lãnh thổ. Sự tranh chấp và so kè xảy ra ở mọi môn thể thao giữa hai quốc gia này, nhưng trong bóng đá, nó trở nên nóng bỏng hơn bao giờ hết. Năm 1937, khi hai độ gặp nhau lần đầu tiên ở giải VĐ các QG Nam Mỹ (tiền thân của Copa America), các cầu thủ Brazil đã bỏ ra khỏi sân vì bị những người Argentina chế giễu là những con khỉ. Trong một trận đấu khác vào năm 1945, khi Brazil giành thắng lợi 6-2, cầu thủ trẻ Ademir Menezes của họ đá gãy chân Batagliero của Argentina, và bạo loạn lập tức xảy ra. Từ đó đến nay, rất khó tìm ra một cặp đấu từ đậm tính thù địch, vừa cân sức cân tài như thế: Hai đội gặp nhau tổng cộng 96 lần trong lịch sử, với 23 trận hòa, 33 chiến thắng cho Brazil và 34 cho Argentina. Và trên hết, cuộc chiến này hấp dẫn bởi một cuộc so kè khác giữa Pele và Maradona, hai cầu thủ vĩ đại nhất của nền bóng đá hai nước và của cả thế giới qua mọi thời đại, trên các phương tiện truyền thông. Hai đội bóng vĩ đại, những cầu thủ vĩ đại, những trận đấu căng thẳng xuyên suốt gần trăm năm... Tất cả tạo nên sự thù địch "vĩ đại".
TT&VH