Huân rất thích trẻ con. Anh thường ngồi vuốt mái tóc đuôi gà của tôi nhắn nhủ: “Sau này em nhớ đẻ cho anh thật nhiều con nhá! Anh sẽ hi sinh tất cả mọi thứ để mang lại cho con những điều tốt đẹp nhất.” Anh nhắc đi nhắc lại điều đó nhiều đến nỗi đôi khi, tôi thấy chạnh lòng. Có lần tôi hỏi một câu rất ngớ ngẩn: “Giả sử vợ con anh gặp tai nạn, bác sĩ chỉ có thể cứu được một người, anh sẽ quyết định cứu ai?” Không ngờ anh quả quyết: “Tất nhiên là cứu con”.
Tôi chợt thấy trái tim mình se lạnh. Sao anh có thể nói những lời vô tình thế? Sao anh có thể cứu con chứ không cứu mẹ? Tôi đã nghĩ mình sẽ không bao giờ lấy người đàn ông này làm chồng. Nhưng tôi đã yêu anh quá nhiều, quá sâu đậm. Tôi biết dù có phải hi sinh tất cả cho anh, tôi cũng cam lòng. Thế rồi chúng tôi cũng làm đám cưới. Một đám cưới vô cùng giản dị bởi anh không thích khoa trương cầu kỳ.
Sau đó không lâu, tôi sinh cho anh một cậu con trai bụ bẫm. Anh là người vui hơn tất cả. Những hiểu biết và sự khéo léo của anh trong việc chăm sóc trẻ khiến tôi vừa ngạc nhiên vừa khâm phục. Nhiều khi tôi nhìn anh ôm con ngủ, tự nhủ thầm: “Huân chưa bao giờ quan tâm đến mình như vậy”.
Chẳng hiểu sao, ông trời lại không chiều lòng người. Thấy con lên 3 vẫn chưa biết gọi bố, gọi mẹ, chỉ ngồi một chỗ nghịch đồ chơi, anh tỏ ra vô cùng lo lắng. Tôi luôn tự trấn an mình rằng bé chỉ chậm nói chứ không thể bị câm hay có vấn đề gì khác. Nhưng đợi chờ đến 2 năm, đã áp dụng đủ mọi cách từ dân gian đến hiện đại, vợ chồng tôi vẫn chưa một lần được nghe tiếng con mình gọi bố, gọi mẹ. Bé vẫn phát triển bình thường nhưng dường như luôn thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
Mỗi khi nghĩ đến con, tôi cảm thấy như có muối xát vào trái tim mình. Kết luận cuối cùng của vị bác sĩ người Thụy Điển khiến cả tôi và anh không còn hi vọng. Con tôi đã mắc chứng bệnh tự kỷ. Mỗi ngày trôi qua trong gia đình tôi là một ngày nặng nề, ảm đạm. Anh ít về nhà hơn, say xỉn nhiều hơn. Khi đứa trẻ chào đời, anh đã nâng niu con trong vòng tay với biết bao tình yêu và hi vọng.
Sự thật đáng buồn khiến anh hoàn toàn sụp đổ. Con tôi càng lớn lên càng hay la hét. Nhất là khi sợ hãi hay tức giận một điều gì đó, bé ôm mặt khóc thét, tè cả ra quần, cào cấu hoặc dứt tóc mẹ. Những tiếng hét của bé luôn khiến anh tức giận, bỏ ra ngoài sau cánh cửa đóng sầm. Dường như không thể chịu đựng hơn được nữa, anh muốn li dị. Tôi không có lý do gì để níu kéo anh ở bên mình. Điều khiến tôi buồn nhất là đã không thể mang lại hạnh phúc cho người mình yêu. Còn lại 2 mẹ con, tôi thật sự không biết bắt đầu từ đâu, như thế nào. Suốt thời gian qua, tôi đi khắp nơi tìm hiểu về chứng bệnh tự kỷ và đã thầm nuôi hi vọng đưa con trở lại cuộc sống bình thường.
Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ con mình. Tôi sẽ phải chứng minh cho anh, cho cả thế giới này biết rằng con trai tôi không phải là đồ bỏ đi. Tôi làm quen với một giáo viên ở trung tâm dành cho trẻ bị thiểu năng trí tuệ để tìm hiểu các phương pháp chữa bệnh tự kỷ. Mỗi khi cảm thấy bất lực trước đứa con gần như vô cảm, tôi lại nuốt nước mắt, tự nhắc nhở mình: “Kiên nhẫn. Kiên nhẫn...” và tiếp tục lặp lại phương pháp theo chỉ dẫn của giáo viên. Mỗi ngày tôi lặp lại không biết mệt mỏi những từ, những việc mà bé cần học. Lần thứ mấy nghìn gì đó, tôi cầm tay bé chỉ vào tấm ảnh của anh, bảo bé gọi “Bố” và lần đầu tiên trong đời, bé đã gọi “Bố!” Có lẽ đó là giây phút hạnh phúc nhất đời tôi.
PNVN