Tại sao lại có sự khác biệt lớn đến thế?
Câu trả lời có ngay ở sự thay đổi trong giá trị chuyển nhượng sau 1 năm. Mùa vừa qua, có khá nhiều ngôi sao đến và đi, tạo nên một hình ảnh lộng lẫy ở các CLB. Nhưng thực tế là giá trị của họ đến đâu lại là điều đáng bàn. P.Helmes gây đình đám mùa Đông khi chuyển từ Leverkusen đến Wolfsburg với giá 6 triệu euro, nhưng kết quả là cầu thủ này chẳng để lại dấu ấn gì.
Đáng kể hơn là trường hợp của Huntelaar đến Schalke với giá lên tới 15 triệu euro, và kết quả là tiền đạo người Hà Lan vẫn núp bóng Raul, chỉ là cầu thủ hạng trung với giá thị trường chỉ còn khoảng 8 triệu euro. Rồi chuyện tiền vệ Diego đầy kiêu hãnh trở lại Đức khoác áo Wolfsburg với giá cũng 15 triệu euro từ Juventus, để 1 năm sau trở thành thứ ung nhọt, bị Magath cương quyết loại bỏ… Thậm chí 1 năm trước, trang tin transfermarkt còn đánh giá Diego có giá tới 27 triệu euro, nhưng bây giờ Wolfsburg có muốn bán Diego với 10 triệu euro còn khó.
Mario Goetze, thương vụ lãi lớn của Dortmund
Trái ngược với những ngôi sao là những bản hợp đồng kiểu “mua mà không mua”. Những cầu thủ trẻ ở độ tuổi U20, thậm chí là U17 được mua về như chỉ để đấy, nhưng thực tế họ lại là những hợp đồng có lãi, và lãi lớn là đằng khác. Tiêu biểu cho những thương vụ kiểu này là Mario Goetze của Dortmund. Khi ký hợp đồng với Goetze từ Eintracht Hombruch khi cầu thủ này mới… 8 tuổi, Dortmund chỉ mất vài ngàn euro. Đến trước khi được đưa lên đội 1, Goetze cũng suýt bị bán đi với giá… 1 triệu euro. Nhưng chỉ sau 1 mùa giải, giá của Goetze đã tăng lên ít nhất 18 lần.
Một ngôi sao mới nổi nữa là Philipp Wollscheid, hậu vệ mới 21 tuổi của Nuernberg đã chơi cực hay ở nửa cuối mùa vừa qua, dù anh này được mang về từ Saarbruecken với giá 10.000 euro (năm 2009). Mùa Hè 2010, Nuernberg cũng định bán Wollscheid khi Hertha trả 200.000 euro. Bây giờ giá của Wollscheid không dưới 3 triệu euro.
Những thương vụ vụn vặt như vậy lại hóa hay. Và có lẽ các CLB nghèo thích củng cố lực lượng theo cách này hơn là đầu tư cho ngôi sao!
BongdaPlus