Trong trường hợp cả hai bên nam, nữ có nơi đăng ký hộ khẩu thường trú nhưng thực tế đang sinh sống, làm việc ổn định tại nơi đăng ký tạm trú thì UBND cấp xã nơi hai bên nam, nữ đăng ký tạm trú cũng có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký kết hôn. Trường hợp này, UBND cấp xã nơi đã đăng ký kết hôn có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi hai bên nam, nữ đăng ký thường trú biết… Đây là một trong những thay đổi đáng chú ý được quy định trong dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP về đăng ký, quản lý hộ tịch (Nghị định 158 chỉ cho đăng ký kết hôn tại nơi đăng ký thường trú).
Ảnh minh họa
Với ý kiến cho rằng việc cho đăng ký kết hôn tại nơi tạm trú cũng không giảm được thủ tục cho các đương sự, họ vẫn phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú xin xác nhận về tình trạng hôn nhân… Đại diện thường trực tổ biên tập khẳng định thay đổi nói trên sẽ “tạo thuận tiện rất nhiều cho công dân” vì họ có thể ủy quyền cho người khác đến xin xác nhận về tình trạng hôn nhân (trừ trường hợp đăng ký kết hôn; đăng ký nuôi con nuôi; giám hộ; nhận cha, mẹ, con).
Một quy định đáng chú ý khác, dự thảo quy định việc cải chính ngày, tháng, năm sinh chỉ được thực hiện đối với trường hợp có đủ cơ sở để xác định rằng có sự sai sót khi đăng ký khai sinh. Tuy nhiên, không giải quyết việc cải chính ngày, tháng, năm sinh đã ghi trong giấy khai sinh đối với trường hợp là cán bộ, công chức; cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang mà hồ sơ cán bộ, công chức đã ổn định về ngày, tháng, năm sinh. Giải thích về quy định này, đại diện thường trực tổ biên tập cho hay có nhiều hồ sơ thống nhất về dữ liệu nhưng đến một ngày lại bất ngờ xuất hiện một giấy khai sinh từ thời xa xưa. Nếu yêu cầu tất cả hồ sơ đó phải điều chỉnh theo giấy khai sinh thì cực kỳ phức tạp, rắc rối, trong khi do tồn tại của lịch sử nhiều giấy khai sinh không chính xác” - vị này nói.
Ngược lại, đại diện Bộ Nội vụ cho biết việc giải quyết yêu cầu cải chính ngày, tháng, năm sinh của cán bộ công chức thời gian qua diễn ra rất phức tạp, phần lớn đều là yêu cầu cải chính giảm số tuổi so với hồ sơ. “Thực tế, đã có trường hợp yêu cầu cải chính giảm hẳn bảy tuổi, qua xác minh thì thấy có cơ sở và anh này trông trẻ hơn nhiều so với tuổi ghi trong hồ sơ. Không thể quy định không cho người ta cải chính được, chả nhẽ bắt họ về hưu sớm bảy năm” - đại diện Bộ Nội vụ nói. Vị này kiến nghị giữ nguyên quy định như Nghị định 158, tức là bảo đảm nguyên tắc phải tôn trọng sự thật và đã có sai sót thì nhất định phải sửa.
Pháp luật TP.HCM