NATO sẽ có vai trò chủ chốt trong chiến dịch Libya - Ảnh: AFP |
“Các nhà lãnh đạo đồng ý rằng NATO phải có vai trò chủ đạo trong cấu trúc chỉ huy với các kế hoạch áp đặt việc thực hiện vùng cấm bay”, hãng tin Nga RIA Novosti dẫn lời ông Ben Rhodes, Phó cố vấn an ninh quốc gia phụ trách đối thoại chiến lược của Mỹ.
“Một lần nữa, những cuộc thương thảo đang tiếp diễn tại Brussels và các thủ đô, nhưng tất nhiên, trong những cuộc nói chuyện điện thoại giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với Tổng thống Nicolas Sarkozy và Thủ tướng David Cameron, đã có sự nhất trí rằng NATO sẽ đóng vai trò chủ chốt trong nỗ lực này”.
Cao ủy thương mại về chính sách đối ngoại và an ninh của Liên minh châu Âu (EU), bà Catherine Ashton cũng xác nhận các cuộc thương lượng về chủ đề ai sẽ chỉ huy đang tiếp diễn.
Còn Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen khẳng định tổ chức này đã hoàn tất kế hoạch áp đặt vùng cấm bay và lệnh cấm vận vũ khí với Libya và tất cả thành viên NATO “cam kết đáp ứng các trách nhiệm theo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc để chấm dứt bạo lực chống lại thường dân Libya”.
Nga sẵn sàng làm trung gian hòa giải
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 22-3 đã lên tiếng bày tỏ Matxcơva sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải cho cuộc xung đột ở Libya.
Tổng thống Nga Dmitry Medvedev |
Tổng thống Medvedev trình bày ý tưởng của ông trong một cuộc gặp Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert Gates tại Matxcơva và “ngài tổng thống cũng bày tỏ mối quan ngại về cách thức làm thế áp đặt vùng cấm bay theo Liên Hiệp Quốc và khả năng thường dân trở thành nạn nhân vì việc sử dụng không lực không phân biệt”, theo cơ quan thông tin từ phủ tổng thống Nga.
Cũng trong ngày 22-3, Thủ tướng Nga Vladimir Putin đã phủ nhận tin tức cho biết đã xuất hiện mâu thuẫn giữa ông và ông Medvedev về cách xử lý cuộc xung đột tại Libya.
“Ở Nga chúng tôi có một tổng thống chỉ đạo chính sách đối ngoại và không có chuyện chia rẽ”, RIA Novosti dẫn lời ông Putin nói với các phóng viên tại Ljubljana, Slovenia.
Trước đó, ông Putin đã gọi nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc áp đặt vùng cấm bay với Libya là “những lời kêu gọi kiểu thời Trung cổ cho một cuộc thánh chiến”. Còn Medvedev, không nêu tên trực tiếp Putin, nói với báo chí ông cho rằng phải thận trọng về các đánh giá và gọi cuộc không kích là thánh chiến là “không thể chấp nhận được”.
Tuổi Trẻ Online