Lớn trong suy nghĩ
Bạn muốn có một chiếc xe máy để đi học cho thuận tiện, nhưng vì điều kiện kinh tế bố mẹ chưa có đủ tiền mua xe, bạn không giận bố mẹ mà thông cảm cho họ và đồng ý đi xe bus cho tiện lợi mà lại rẻ. Vậy là bạn đã biết nghĩ cho người khác rồi.
Khi điểm thi kém, thay vì đổ lỗi cho những lí do khách quan như “học tài thi phận”, “áp lực tâm lí”, đề thi quá khó... bạn thẳng thắn nhìn nhận sai lầm rằng kiến thức của mình chưa vững vàng và biết khắc phục những điểm yếu đó để lần sau có kết quả tốt hơn. Bạn đã biết chịu trách nhiệm cho những gì mình làm rồi đấy!
Trong lớp có những bạn ăn mặc rất sành điệu quần áo đắt tiền nhưng không vì thế mà bạn đua đòi theo. Bạn vẫn giản dị với bộ quần áo đồng phục trang nhã và trẻ trung. Bạn thích những trang phục phù hợp với mình, bạn chính là bạn, không bận tâm chạy theo mốt này mốt kia...
Trưởng thành trong suy nghĩ có nghĩa là teen biết nghĩ cho người khác mà không chỉ nghĩ cho riêng mình, có trách nhiệm với bản thân, trách nhiệm với những việc mình làm. Nếu đã thực sự làm được điều đó thì có nghĩa là bạn đã trưởng thành rồi đấy.
Thế còn hành động thì sao?
Mẹ đi làm về mệt, nhưng bạn vẫn vô tư xem ti-vi, mặc kệ cho mẹ một mình nấu cơm dưới bếp. Điều đó chứng tỏ bạn vẫn còn chưa "lớn" đâu nhé, vẫn chưa có ý thức (hoặc... cố tình chưa có ý thức) về trách nhiệm gia đình. Thay vì việc nằm dài trên ghế xem bộ phim yêu thích, nếu thực sự là người lớn, bạn nên xuống bếp giúp mẹ nấu cơm hay cùng trò chuyện với mẹ. Nhìn thấy con gái lớn đảm đang ngoan ngoãn như thế là mọi mệt nhọc của mẹ sẽ được xua tan đi rất nhiều đấy teen ạ!
Ý thức còn thể hiện trách nhiệm của bạn ngoài xã hội, trong công việc chung của lớp, trong học tập và trong cả những lúc vui chơi. Lan (18t) nói rằng bạn thật sự bất ngờ trước những hành động vô tư xả rác của các bạn trong lớp sau mỗi buổi học: “Ngày nào cô lao công cũng quét dọn sạch sẽ, nhưng mỗi khi lớp mình học xong thì cứ như một bãi chiến trường: giấy báo, đồ ăn nhanh, thức uống ...” Nếu bạn chú ý một chút trong hành động của mình thì không chỉ giúp ích cho bản thân bạn mà còn giúp ích cho những người xung quanh cho cộng đồng và xã hội đấy!
Khi trường mở đợt quyên góp dành cho người nghèo, dù bạn không có nhiều tiền nhưng lại có quần áo, báo, sách vở… những đồ dùng còn dùng được. Dù chỉ là những vật dụng rất nhỏ bé và chẳng còn có ích lợi gì đối với bạn, nhưng đối với những đứa trẻ không được đến trường, nó lại thực sự quý giá. Hành động của bạn chứng tỏ rằng bạn biết suy nghĩ và cho đi tình thương của mình, thể hiện trách nhiệm đối với xã hội - điều mà bất kì người trưởng thành nào cũng cần phải có.
Và biết điều khiển cảm xúc của mình…
Trưởng thành trong cảm xúc có nghĩa là bạn phải kiểm soát được những cung bậc cảm xúc của mình, đối mặt và cân bằng nó, không để cho nó chi phối. Nói thì nghe có vẻ to tát lắm nhưng thật ra là rất đơn giản thôi. Ví dụ như bạn không để chuyện vui buồn ảnh hưởng đến công việc học tập của mình, những khi lo lắng hồi hộp bạn có thể trấn an tinh thần bằng những lời khích lệ của bản thân: "Cố gắng lên nào!". Hay bạn sẽ không để ai phải lo lắng nếu bạn thất bại, vì người ta tin tưởng bạn đã lớn và biết tự đứng dậy, phải không nào? Biết cân bằng những cảm xúc, biết vượt qua những khó khăn và thử thách, có ý chí vươn lên nghĩa là bạn đã trưởng thành trong cảm xúc rồi đấy!
Học cách để trở thành người lớn không phải là điều có thể thực hiện trong một sớm một chiều đâu bạn ạ, mà cả là một quá trình dài lâu đấy! Vậy thì bạn hãy tập cho mình cách suy nghĩ và hành động giống như một người trưởng thành, teen nhé!
PLXH