Con đường âm nhạc
Ca sĩ Chế Linh
Chế Linh vốn là người gốc Chăm, tên thật Chà Len, sinh năm 1942 tại xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Chế Linh vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ với nghệ danh Tú Nhi, anh có một giọng hát trời phú đặc biệt và có rất nhiều bài hát nổi tiếng. Vào năm 1958, khi 16 tuổi, Chế Linh vào Sài Gòn, trải qua biết bao nhiêu cực khổ tìm kế sinh nhai, từ làm đầu bếp, giữ trẻ. Anh rất chịu khó, siêng năng trau dồi kiến thức cho bản thân ngay trong những hoàn cảnh vô cùng cực khổ.
Rồi may mắn đến với Chế Linh khi anh tìm được việc làm cho một chủ người Hoa tốt bụng, ông chủ này đã giúp đỡ Chế Linh đi học và trả lương rất hậu cho Chế Linh khi làm người giúp việc trong nhà, nấu ăn và trông con cho ông ta. Sau chín tháng làm việc và dành dụm được một số tiền, Chế Linh quyết định vào Trường Bồ Ðề rồi sau đó là Trường Nguyễn Công Trứ để tiếp tục học.
Đoàn văn nghệ Biên Hòa cần tuyển ca sĩ để theo đoàn đi hát trong các miệt làng xa tại Biên Hòa. Chế Linh tham dự và được giải Nam ca xuất sắc nhất. Hoàn toàn không nghĩ là mình sẽ theo nghề ca hát, nhưng Chế Linh đã theo đoàn này hát (cùng với Châu Kỳ, Trúc Phương) vì tiền lương rất cao. Hai năm sau, đoàn văn nghệ tan rã, Chế Linh bắt đầu làm nghề tài xế (chở xe đá) tại Biên Hòa. Anh vừa làm việc vừa luyện giọng và viết nhạc, tình yêu âm nhạc đã bắt đầu nảy nở và phát triển trong Chế Linh.
Cũng trong thời gian này, "Ðêm buồn tỉnh lẻ", "Bài ca kỷ niệm" và "Ðếm bước cô đơn" ra đời... Với sự nhiệt tình và tài năng của mình, Chế Linh đã hoạt động âm nhạc rất sôi nổi vào thời đó. Anh đã cùng hát với những ca sĩ nổi tiếng như: Anh Ngọc, Duy Khánh, Thái Thanh, Thanh Thúy, Minh Hiếu, Tùng Lâm… Ra đời đĩa nhạc đầu tay "Vùng Biển Trời Và Màu Áo Em" với Cty Continental và sau đó ký hợp đồng với Cty Đĩa Việt Nam.
Thần tượng một thời
Chế Linh, ca sĩ một thời từng được ghi nhận là một "hiện tượng" trong dòng nhạc mà theo ngôn ngữ bình dân, mộc mạc vẫn gọi là nhạc "vàng". Nhạc "vàng" ở đây được hiểu là dòng nhạc mang tính "phổ thông" và được phổ biến rất rộng trong quần chúng do sự đa dạng của nó. Khi mặn mà, nồng nàn tình cảm với những cuộc tình đôi lứa. Khi đậm đà tình tự quê hương với những tâm tình bình dị và chân chất như tâm hồn của những người dân Việt bình thường.
Bây giờ, sau trên 40 năm góp tiếng hát của mình vào những sinh hoạt nhạc Việt từ khi còn ở trong nước đến khi ra hải ngoại, dĩ nhiên "hiện tượng" Chế Linh chỉ còn là một kỷ niệm đẹp về một thời lẫy lừng tên tuổi, nhưng có điều kỷ niệm đó sẽ không bao giờ có thể phai mờ trong tâm trí của những ai đã một lần "trót" yêu tiếng hát của một nghệ sỹ tài năng.
Cũng như bất kỳ "thần tượng" nào, Chế Linh cũng phải tuân theo luật đào thải để nhường ngôi vị này cho những tiếng hát của thế hệ tiếp nối bước đi của anh. Nhưng rõ là trải qua bao năm tháng, trường hợp "hiện tượng" hay danh hiệu "thần tượng" cũng đã được gán cho không ít những giọng ca xuất hiện sau đó nhưng cho đến nay vẫn chưa có ai có thể so sánh với trường hợp Chế Linh trong những ngày vàng son của anh. Hiện tượng Chế Linh của những năm tháng xa xưa đến nay vẫn còn đi hát, vẫn còn tham gia vào những sinh hoạt ca nhạc và thỉnh thoảng vẫn còn góp mặt trong những chương trình video.
Dù thời gian có xói mòn phần nào giọng hát của anh, nhưng khi anh cất tiếng, ai cũng nhận ra cái chất Chế Linh đặc biệt. Cái "chất" Chế Linh đó đã là mẫu mực cho khá nhiều tiếng hát xuất hiện sau này tại hải ngoại với dòng nhạc luôn được đại đa số quần chúng yêu thích. Có thể nói không ngoa khi 2 cái tên Tuấn Vũ, Chế Linh đã đi vào tiềm thức của những người nặng lòng với dòng nhạc vàng, ở Tuấn Vũ là chút gì đó của sự phiêu du, từng trải còn ở Chế Linh là cả một sự tiết chế trong tâm, một giọng hát như được chắt lọc từ cái tình, cái nết của người dân xứ Chăm.
Ngày về…
Sau gần 30 năm xa quê, Chế Linh quyết định trở về quê hương: "Cuộc đời tôi đã quen với nhiều chuyến đi nhưng lần này thì tôi như người đi làm xa trở về nhà. Cảm giác khác lạ nhất là lúc xuống sân bay Tân Sơn Nhất, nhìn phố phường, đường sá, nhà cửa thấy mọi thứ đều khang trang, mới mẻ", Chế Linh tâm sự. Mục đích của những lần về thăm quê của anh là nhằm tổ chức các chương trình ca nhạc để vận động gây quỹ từ thiện ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mặc dù là người miền Nam và nổi tiếng tại đây nhưng trong nhiều lần về nước anh đều có những buổi ra mắt tại miền Bắc trước, bởi theo anh "Người Hà Nội chưa bao giờ gặp mặt, chuyện trò mà tình thương dành cho Chế Linh quá lớn lao nên tôi xin dành cho Hà Nội trước, tôi muốn trang trải tấm lòng mình đối với khán thính giả ngoài đó". Chế Linh còn nói rằng: "Điều mà tôi ngạc nhiên nhất là lớp trẻ ở Việt Nam thuộc lòng nhiều bài hát của tôi. Đi đến đâu tôi cũng nghe các bạn hát một vài câu hoặc cả bài. Tôi nghe mà cảm động vô cùng. Cảm ơn quê hương đã ưu ái dành cho tôi một chỗ đứng trang trọng trong lòng công chúng".
Chế Linh bên vợ Vương Nga
Cũng trong lần trở lại với công chúng Việt Nam, Chế Linh còn cho biết là anh “dám” hát phòng trà khi anh nhận được một số lời mời. Trước đây, Chế Linh cũng chưa bao giờ đi hát cho các phòng trà, nếu có thì chỉ là hát giúp vui cho anh em bạn bè. Theo anh "không đi hát phòng trà vì tôi là người của các chương trình đại nhạc hội, toàn đi lưu diễn xa nên phải toàn tâm toàn sức cho chương trình". Hơn nữa Chế Linh về Việt Nam không phải để hát mà để làm một số chương trình từ thiện. Vả lại "giá" của anh cũng thuộc hàng rất cao, các phòng trà khó có thể theo nổi.
Khi được phóng viên hỏi về cuộc sống hiện tại của anh tại Canada, Chế Linh có chia sẻ: "Chính xác là tôi có 4 vợ và 14 con. Có một tờ báo đã nhầm lẫn viết rằng tôi 4 vợ 7 con. Cũng không có gì đâu nhưng tôi sợ các con mình buồn vì thấy bố kể thiếu". Việc một ca sỹ có nhiều vợ âu cũng là chuyện thường tình, nhưng ở vào hoàn cảnh của Chế Linh thì lại khác, anh bao giờ cũng tâm niệm việc giữ tròn đạo nghĩa vợ chồng. Chế Linh tâm sự: "Một người vợ của tôi mất, hai người vợ ly dị, tôi đang sống với người vợ thứ tư tại Canada cùng 3 con. Đây là người vợ tôi đã cưới trước khi ra nước ngoài". Người phụ nữ sẽ cùng với Chế Linh đi hết con đường đời là chị Vương Nga, người mà lúc nào cũng ở bên cạnh chồng như hình với bóng, chị không chỉ là chỗ dựa tinh thần cho anh mà còn là điểm tựa cho sự thành công của anh khi anh tiếp tục bước đi trên con đường nghệ thuật mình đã chọn.
PLXH