Sẽ không quá khi nói rằng, chuyến đi Tây Á của thầy trò ông Falko Goetz giống như chuyến phiêu lưu của những chàng David. Còn Qatar lại giống như gã khổng lồ Goliath, luôn đe dọa quật ngã các đối thủ nhỏ bé như trong câu chuyện thần thoại Hy Lạp.
Tư tưởng của ĐTVN trước khi lên đường đã được xác định rất rõ ràng, chúng ta sẽ đá với thế "cửa dưới". Nó hợp lí bởi thầy trò HLV Goetz không thể so sánh tương quan lực lượng lúc này dựa trên thước đo của 2007, năm mà ĐTVN đã lập kỳ tích lọt vào tứ kết Asian Cup, trong đó, trận hòa 1-1 trước Qatar đã góp phần giúp thầy trò ông Alfred Riedl lấy tấm vé tứ kết gặp Iraq trên đất Thái Lan.
Chúng ta cũng không thể lấy những trận thua 0-3 trước CLB Lausanne của Thụy Sỹ, hay cú "sốc" thua Ấn Độ 1-2 trên sân nhà Alsadd của Qatar làm thước đo, bởi nó cũng chỉ là những trận đấu giao hữu. Cũng giống như ông Goetz từng xới tung tất cả để rồi từng phải nhận kết quả hòa 1-1 trước Đồng Nai hay thua 1-3 trước ĐT.LA trên hành trình tìm ra những mảnh ghép hoàn hảo cho khối rubic của mình.
Chúng ta càng không thể lấy trận thắng 13-1 trước Macau để tự huyễn hoặc rằng ĐTVN đã vươn lên một tầm cao mới, đã đứng cùng hàng với các "đại gia" của bóng đá Châu Á, mà đối thủ Qatar là một trong số đó. Thế nhưng, như đã từng nói, ở phương diện tâm lý, đôi khi "tinh thần AQ" là liều thuốc bổ hữu hiệu cho bài toán cho tinh thần của ĐTVN. "Phép thắng lợi tinh thần" ít nhiều đã triệt tiêu được lòng tự ty để tự tôn bản thân, ít nhiều nó đang giúp các học trò của ông Goetz hướng tới những mục tiêu tốt đẹp.
Với sự đổi thay từ chiến thuật 4-4-2 sang 4-5-1 và cả những sự đổi thay về con người, Goetz cho thấy ông đang xây dựng cho ĐTVN một lối đá phù hợp với các cầu thủ Việt Nam. Đó cũng là cái cách mà chúng ta đã từng thành công trước những đội bóng Tây Á. Bởi vậy sẽ không phải là điều hoang tưởng nếu chàng David đốn ngã gã khổng lồ Goliath bằng thứ vũ khí tinh thần của mình.
Bongdaplus