Khi bóng đá không còn là môn thể thao giải trí thông thường thì các giải đấu ngày càng trở nên khắc nghiệt, vì thế chiến thuật đóng một vai trò rất quan trọng trong thành công của các đội bóng.
Lịch sử hình thành và phát triển
Ở buổi sơ khai vào giữa thế kỉ 19, lối chơi tấn công được tôn sùng một cách tuyệt đối, gần như không có khái niệm phòng ngự hay phản công. Sơ đồ đầu tiên được ghi nhận là 1-1-9 với tất cả lao lên phía trước cho đến khi Ancok (người Anh) đã sáng tạo ra chiến thuật 1-2-7 mà Bolton chính là đội bóng đầu tiên áp dụng sơ đồ này và họ đã giành tới 5 cúp FA từ năm 1872 đến 1878. Sau đó chiến thuật mới tiếp tục được các đội bóng Anh sử dụng với sơ đồ 2-2-6 ra đời với mục đích rút bớt 1 tiền đạo để tăng cường 1 hậu vệ. Một thời gian sau, Nottingham triển khai sơ đồ 2-3-5 với đề cao sự phối hợp tập thể, rồi được nhiều đội tuyển sử dụng tại các World Cup của thập niên 30 thế kỉ trước.
Sơ đồ 4-2-4 đã giúp Brazil vô địch World Cup 1958. Ảnh: Internet.
Sở dĩ người Anh thường tự hào là quê hương của bóng đá bởi trong quá trình phát triển, họ lại sáng tạo ra một sơ đồ chiến thuật thực sự gây được tiếng vang, đó là WM mà thực chất là 3-2-5 đã ngự trị trên các sân cỏ thế giới trong một thời gian dài. Thời kì hưng thịnh của sơ đồ này là vào nửa đầu thập niên 50 trước khi nó dần khép lại để nhường chỗ cho 4-2-4 do người Brazil trình làng tại World Cup 1958.
Khi bóng đá mất dần sự “hồn nhiên” thì số lượng tiền đạo cũng ít dần và khu vực trung tuyến lẫn phòng ngự được chú ý nhiều hơn. Vì thế, 4-3-3 ra đời và ngự trị từ năm 1966 đến năm 1978 mà Hà Lan chính là đại diện ưu tú nhất. Sơ đồ mang lối đá tổng lực đó chỉ mất vị thế độc tôn khi 4-4-2 xuất hiện và vẫn còn tồn tại đến ngày nay mà Pháp chính là đội tuyển đã vận hành uyển chuyển nhất sơ đồ này tại các các kì World Cup và Euro những năm 80. Bên cạnh đó còn phải kể đến lối chơi Catenaccio của người Ý hay chiến thuật 5-3-2 của người Đức với việc sử dụng libero…
Chiến thuật nào sẽ lên ngôi?
Ngày nay, các đội bóng đều rất chú trọng đến khâu phòng ngự nên các sơ đồ sử dụng 1 tiền đạo được ưa chuộng như 4-5-1, 4-1-4-1 hay 4-2-3-1 hoặc 4-3-2-1 (hình cây thông)… dù 4-3-3, 4-4-2 hay 4-3-1-2 vẫn được nhiều đội bóng sử dụng.
Barcelona vẫn trung thành với sơ đồ 4-3-3. Ảnh: Getty.
Bốn đội bóng lọt vào bán kết Champions League mùa giải này cũng thể hiện sự đa dạng trong sơ đồ chiến thuật. Nếu Barca trung thành với 4-3-3 thì Real lại gắn với 4-2-3-1 và khi cần số đông tham gia phòng ngự lại chuyển sang 4-3-2-1. Manchester United đã quay về 4-4-2 nhưng trong thế trận cẩn trọng họ lại thường chơi 4-5-1 với chỉ một tiền đạo cắm phía trên. Còn Schalke lại chơi 4-4-2 lấy tấn công làm chủ đạo.
Bên cạnh những yếu tố con người, may mắn, phong độ… thì chiến thuật sẽ đóng góp không nhỏ trong thành công của các đội bóng. Barca có thể mạnh nhất trong số 4 đội ở bán kết nhưng có thể họ sẽ khóc hận bởi lối chơi chặt chém và siêu phòng ngự của Mourinho. M.U được đánh giá cao hơn Schalke nhưng có thể họ sẽ bị vỡ mộng giống như Inter… Vì thế, vòng bán kết sẽ không chỉ là cuộc chiến giữa các vì sao mà còn là cuộc đấu trí giữa các HLV với sự thú vị của các sơ đồ chiến thuật.
Tinthethao