Hoa (Ngọc Hà, Hà Nội) đang mang bầu tháng thứ 7. Rút kinh nghiệm từ bạn bè đi trước, sau khi cưới, Hoa phân chia rạch ròi các khoản chi tiêu trong gia đình dựa trên tổng số tiền lương của hai vợ chồng.
Chẳng hạn, tiền đi chợ, chi phí khám thai, phí đóng tiền điện, nước, internet, tiền phát sinh như đám hiếu, đám hỉ... đều được Hoa cẩn thận sắp xếp sau khi đã thỏa thuận với chồng.
“Mình có phải người không tính toán đâu, thế mà chồng vẫn cằn nhằn. Tiền chợ dễ bị hao hụt nhất vì lúc nào mình cũng lo loay hoay đổi món, tìm hoa quả dinh dưỡng tráng miệng...” – Hoa chia sẻ.
Chồng Hoa do chưa phải đi chợ lần nào, ăn trưa ở chỗ anh cũng được cơ quan hỗ trợ nên không hiểu tình hình chợ búa trong cơn “bão giá”. Thấy vợ “âm” tiền chợ là anh càu nhàu. Hoa kể, có lần cô nấu canh cua, thấy thiếu cà pháo, chồng Hoa bảo: “Em cầm 500 đồng ra đầu ngõ mua cà đi”. Hoa cười sặc sụa: “Em cầm 500 đồng ra, khéo bị ném cái bát vào mặt ấy chứ. Thời này mà anh còn đòi mua cà 500 đồng sao? 2000-3000 đồng bà ấy mới bốc cà cho đấy”.
Để chồng hiểu nỗi lo cơm áo gạo tiền là thế nào, cuối tuần, Hoa tranh thủ dụ chồng đi bộ thể dục rồi mua đồ ăn ở chợ cóc gần nhà luôn. “Mình đưa tiền chợ cho chồng, lý do là váy bầu của em có túi nhưng túi nông lắm, nhét tiền ở đó rơi mất. Mình cứ đi trước mua hàng, anh ấy theo ngay sau móc tiền ra trả. Về đến nhà là tính ngay xem mua hết bao nhiêu. Có lần chồng mình tròn mắt: ‘Cục thịt bò với mấy con tôm này cũng hết gần 2 trăm bạc à? Ôi trời ơi’. Có thế, anh ấy mới biết rõ thời bão giá là gì” – Hoa hiến “kế”.
Từ lần đó trở đi, hai vợ chồng Hoa hay cùng nhau đi chợ cuối tuần. Chồng Hoa không còn nhăn nhó khi cuối tháng, bữa cơm không có hoa quả tráng miệng, cũng bớt cằn nhằn vợ tiêu hoang, đặc biệt, ăn uống cũng tiết kiệm hơn chứ không phải chán là đổ ra thùng rác nữa.
Cũng mong chồng “ngấm” nỗi vất vả khi phải đi chợ rồi “tỉnh” dần ra, có trách nhiệm với vợ hơn là Xuyến (Hà Đông, Hà Nội). Xuyến làm IT, lương cũng khá. Một mình Xuyến sau khi cưới và ở riêng có thể lo được sinh hoạt phí cho hai vợ chồng son. Xuyến cũng không thiếu tiền để thỉnh thoảng đi spa, làm tóc, cafe hay ăn uống cùng hội bạn... “Cưới nhau từ trước Tết đến giờ, chồng mình đưa lương đúng 2 lần. Hồi Tết còn phải đưa thêm cho chồng để chồng biếu quà cho ông bà ngoại và lì xì cho em trai bên vợ. Các khoản đối nội thì một mình mình xoay sở hết. Bực mình không kể siết. Chồng suốt ngày chỉ ham chơi, hết đi thăm bạn ở Hải Phòng, Đà Nẵng rồi gặp bạn ở TP HCM” – Xuyến than ngắn thở dài kể.
Xuyến kể, có khi lỗi cũng do mình. Một mình Xuyến xoay sở để chồng hễ bước chân về nhà là có cơm ngon canh ngọt nên chồng ỷ lại chăng? Rút kinh nghiệm bản thân, Xuyến suốt ngày than hết tiền đi chợ. Nếu trước đây, bữa cơm nào của hai vợ chồng Xuyến cũng có không thịt bò thì thịt gà, tôm, mực... thì bây giờ, quanh quẩn chỉ có vài bìa đậu phụ và thịt lợn cả nạc cả mỡ.
“Chồng mình than trách bữa cơm đạm bạc, còn cằn nhằn mua lắm váy áo nên mới hết tiền đi chợ, mình được thể ‘lên mặt’ luôn: ‘Lương của em làm sao đủ mua cá với tôm. Anh muốn ăn ngon phải đưa lương cho em chứ’” – Xuyến kể. Sau lần ấy, thỉnh thoảng Xuyến dụ chồng đi chợ “cho vui, anh thích gì thì em mua nấu cho anh món đó”. Về đến nhà, Xuyến ghi chi tiết những món vừa mua, tỉ mỉ cả đến vài củ tỏi.
“Dần dần, chồng mình cũng thấy đi chợ tốn kém nên không dám kêu mình hoang phí nữa. Bây giờ, anh ấy còn tự nguyện đưa lương cho mình nữa cơ” – Xuyến khoe.
Xuyến bảo để được chồng thông cảm thế này, cô phải “đấu tranh” mềm dẻo lẫn cương quyết mấy tháng ròng. “Thế là may rồi. Đàn bà dễ có mấy tay, tài giỏi đến mấy cũng không thể một mình chèo chống được” – Xuyến kết luận.
Mẹ&Bé