Việc ông Goetz được “kết”, không chỉ nhờ bản lý lịch (từng là HLV Hertha Berlin, 1860 Munich) mà còn có thư giới thiệu và bảo đảm của LĐBĐ Đức cùng phần “hậu mãi” là phía Đức hỗ trợ một phần tiền lương.
LĐBĐ VN sẽ thương thảo hợp đồng với HLV Franz Goetz.
Bây giờ nhiều người lại quay sang ca ngợi bóng đá Đức, kiểu như hồi chọn ông Letar, không ít người khen là thuê thầy Pháp để học hỏi nền bóng đá của đội vô địch thế giới.
Bóng đá VN từng có quan hệ và làm việc với HLV người Đức, đó là Karl Heinz Weigang - từng cùng đội tuyển VN đoạt HCB SEA Games đầu tiên trong lịch sử (1995) và HCĐ Tiger Cup 1996. Ngoài ra, còn có hai đời thầy Đức mà ta không phải trả lương là Klaus Efbighausen và Rainer Willfeld. Đây là hai ông gắn nhiều với bóng đá trẻ VN và các lớp đào tạo giảng dạy, mà ta không phải trả lương do phía Uỷ ban Olympic Đức hỗ trợ toàn phần.
Nếu như ông Weigang do ta trả lương và tận dụng chất xám (chỉ trong hai năm), thì hai ông thầy kia sống với bóng đá VN rất lâu, nhưng chẳng ai tận dụng, đặc biệt là Willfeld.
Ông Willfeld lành tính và làm với VFF, nhưng phải tự tìm việc cho mình. CLB nào cần tài liệu ông giúp; HLV nào cần kiến thức, ông luôn trải lòng. Thậm chí khi đội tuyển VN đá Tiger Cup 2002 ông sẵn sàng đi theo để quay phim làm tư liệu nghiên cứu đối thủ, tiền trạm sân tập và làm cả những dịch vụ ngoài sân bóng. Điều đặc biệt là ông luôn nở nụ cười thường trực trên môi, nhưng rất ít khi được các quan chức của ta đánh giá đúng. Duy chỉ có ông Calisto khi ấy là tôn trọng với phát biểu: “Thành tích của chúng ta có sự góp sức lớn và thầm lặng của người bạn Đức Rainer Willfeld. Chính ông ấy đã tư vấn cho tôi rất nhiều để tìm ra biện pháp thi đấu với từng đối thủ…”.
Sau này khi hết nhiệm kỳ, ông Willfeld về lại Đức thì lúc đấy mới có nhiều người tiếc cho rằng ta có cả một kho kiến thức, cả một nhà chiến lược bóng đá trẻ, nhưng không biết tận dụng.
Giờ thì ta quay lại con đường cũ đó là bỏ tiền thuê thầy Đức và hy vọng họ biến các cầu thủ nhà chơi với tinh thần Đức!
Lao động