Ở Anh, HLV Capello đã lại thể hiện “quyền sinh sát” theo đúng tính cách của ông. Ở Pháp, những kẻ nổi loạn đã xin lỗi để quay đầu về bờ. Ở Italia, thậm chí chẳng có điều gì thú vị để nhắc đến…
HLV Capello đã lại thể hiện quyền lực của ông ở ĐT Anh
Báo chí Anh đã cố khuấy động dư luận sau vụ HLV Fabio Capello lấy băng đội trưởng của Rio Ferdinand và trao nó lại cho “sở khanh” John Terry. Thậm chí, tờ News of The World, bậc thày dựng chuyện hàng đầu nước Anh, còn khẳng định rằng Rio Ferdinand đã vô cùng bực tức vì bị tước băng thủ quân mà không có một lời úy lạo từ Capello. Nhưng cuối cùng chuyện chẳng có gì ầm ĩ. Những tin đồn về việc Capello có thể mất chức trước khi kết thúc hợp đồng (vốn rộ lên sau VCK World Cup 2010) đã tan biến. Giờ ông lại là người làm chủ cuộc chơi như những ngày đầu nhậm chức. Dẫu sao, việc ĐT Anh xếp thứ 2 bảng G với 3 điểm kém Montenegro nhưng còn đá ít hơn một trận và hơn hiệu số cũng không phải là kết quả đáng phàn nàn.
Đội tuyển Pháp cũng lại có bóng hình của một Les Bleus “như chưa từng có cuộc chia ly”. Cho đến lúc này, gần như toàn bộ những kẻ nổi loạn ở đồi Knysna (Nam Phi) đã cúi đầu xin lỗi và được HLV Blanc giang tay chào đón. Hai người mới nhất quay đầu về bờ là Ribery và Evra. Sau rất nhiều những lời cương quyết, tân HLV của đội tuyển Pháp cũng đã mềm mỏng trở lại: “Dù sao, với kinh nghiệm dày dạn, vị trí của họ ở ĐT Pháp là không thể thay thế”. Và người ta sẽ tự hỏi rằng với những “sự bổ sung” giữa dòng đẳng cấp như Ribery hay Evra, ai sẽ đe dọa được vị trí đầu bảng D của đội tuyển Pháp.
Châu Âu đã quay trở lại với nhịp sống quen thuộc của mình. Những cơn khủng hoảng của World Cup 2010 vẫn chưa bị lãng quên, nhưng ít nhất là ở thời điểm này, không có lý do để nhớ đến nó. Với những đội tuyển đã thành công tại Nam Phi, mọi chuyện còn nhạt nhẽo hơn. Đức đã hình thành xong bộ khung, và phong độ của hầu hết các vị trí chính thức đều ổn định (thậm chí là chói sáng như trong trường hợp của Oezil và Khedira). Những trận giao hữu tẻ nhạt của Tây Ban Nha vẫn không phủ nhận được sự “vô đối” của họ. Ngay cả Nga, đội tuyển đã mất vé dự VCK World Cup 2010, cũng đang thỏa sức vẫy vùng mà không gặp khó khăn gì do rơi vào một bảng đấu khá dễ dàng. Khó khăn nhất chỉ có thể kể đến Bồ Đào Nha (xếp thứ 2 bảng H), đội bóng mà tư cách ông lớn từ lâu đã đáng bị nghi ngờ.
Sự hấp dẫn của vòng loại EURO 2012, sau tất cả những tín hiệu đã có, không thể trông chờ vào cục diện tổng quát. Chưa thấy điều gì có thể ngăn chặn các ông lớn tiến về Ba Lan và Ukraine. Sự hấp dẫn ấy, nếu có, chỉ có thể trông chờ trong từng trận cầu, từng bàn thắng. Rất may là loạt đấu này cũng mang cho người ta một vài trận đấu để kỳ vọng.
Đáng chú ý nhất trong loạt đấu này phải kể đến trận Tây Ban Nha-CH Czech trên sân Bernabeu. Trước trận đấu, HLV Del Bosque đã cảnh cáo các học trò: “Họ có rất nhiều cầu thủ nguy hiểm”. CH Czech hiện đang xếp thứ 2 trong bảng I, và cũng là đội bóng duy nhất ở bảng này được kỳ vọng có thể ngăn bước tiến của Tây Ban Nha. Hoặc trận đấu giữa Slovenia và Italia, cũng đang được nhắc đến như 90 phút tiềm ẩn bất ngờ.
Và nếu những trận đấu ấy cũng trôi qua xuôi chiều, mạnh được yếu thua, thì đúng là vòng loại EURO 2012… chẳng còn gì để nói.
BongdaPlus