Quyết định rời bỏ những sân khấu lớn và cơ hội biểu diễn ở nước ngoài, ca sĩ Tuấn Hiệp tiếp tục niềm đam mê ca hát ở một sân khấu nhỏ - Phòng trà 92 Trấn Vũ (Hà Nội) - và bằng lòng với những đêm diễn mà có khi nghệ sĩ đông hơn khán giả.
Sáu năm sau album Mắt biếc thu chung với Tùng Dương và Lệ Quyên, Tuấn Hiệp - nam ca sĩ từng tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội loại xuất sắc - mới ra mắt CD đầu tay: Bơ vơ. CD này đã khiến nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, tác giả của 3 ca khúc trong album, ngỡ ngàng vì có ca sĩ thể hiện bài hát trên cả điều ông mong đợi. Sự đồng cảm của Nguyễn Ánh 9 cũng chính là động lực khiến Tuấn Hiệp gấp rút chuẩn bị tổ chức mini show Tiếng hát lạc loài, sẽ diễn ra tối 23/4 tới tại phòng trà 92 Trấn Vũ. Tác giả của Tiếng hát lạc loài - nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 - sẽ không thể tham dự mini show này vì thời gian này vợ chồng ông đi Mỹ. Nhưng, ông cho biết rất muốn Tuấn Hiệp vào TP.HCM tổ chức mini show và ông sẽ tự tay đệm đàn cho anh hát.
* Ra mắt album và tổ chức mini show, với anh, đó như một cuộc chơi?
- Theo quan điểm của tôi, mọi ca sĩ phải đến với âm nhạc như là một cuộc chơi. Nhưng để có được cuộc chơi đó đúng nghĩa không hề dễ. Trong tưởng tượng của tôi, cuộc chơi âm nhạc đó không phải cuộc dạo chơi, mà phải hết mình, đam mê cháy bỏng.
* Anh muốn xem đó là cuộc chơi, phải chăng vì anh chủ yếu dựa vào kinh doanh chứ không sống bằng nghề ca hát?
- Tôi muốn âm nhạc là một cuộc chơi, và tôi đang hướng tới điều đó mà chưa đạt được. Tôi vẫn phải làm nhạc kiểu 2 trong 1, thậm chí là 3 trong 1. Những năm gần đây, báo chí Hà Nội biết đến tôi với tư cách chủ phòng trà nhiều hơn vai trò ca sĩ. Nhưng tình cảnh phòng trà ở Hà Nội, nhất là phòng trà chuyên nhạc xưa như của tôi có những buổi rất đông khán giả, mà cũng có đêm nghệ sĩ trình diễn và nhạc công nhiều hơn số khán giả có mặt. Vậy nên, phòng trà không thể trụ nổi nếu chỉ trông chờ vào sân khấu biểu diễn ở đây. Tôi cũng phải liệu cơm gắp mắm, mở rộng kinh doanh các lĩnh vực khác để nuôi niềm đam mê của mình. Ít ra phải như thế, phòng trà mới tồn tại được.
* Gặp nhiều khó khăn như vậy, vì sao anh lại quyết định bỏ cơ quan nhà nước và cơ hội đứng trên những sân khấu lớn?
- Cuộc đời của tôi không hề bằng phẳng và quá nhiều vất vả, gian lao. Những người bạn chơi với tôi từng nói, họ không thể tin rằng tôi đã trải qua quá khứ khốn khó đến thế. Tôi phải bươn chải từ bé. Rồi tình cờ, từ cuộc gặp với NSND Quang Thọ, tôi quyết thi đỗ vào Nhạc viện Hà Nội. Thấy tôi khó khăn, vợ chồng thầy Quang Thọ cũng giúp đỡ tôi rất nhiều về vật chất và tinh thần. Ngày trước, tôi vừa đi học, vừa nuôi em. Có khi trong túi chỉ còn 10 ngàn đồng. Để em được ăn no thì mình chịu nhịn. Có những hôm hát không được, bị thầy mắng. Đơn giản vì đói không thể hát được... Đó là những kỷ niệm không bao giờ tôi quên.
Thực ra, tôi quyết định bỏ cơ quan nhà nước khá nhanh. Lý do là công việc riêng của tôi quá nhiều khiến tôi không đảm bảo được thời gian cho nhà hát. Nhưng bỏ một vị trí công tác không có nghĩa là tôi bỏ nghề hát. Không có âm nhạc, tôi không làm được gì đâu.
* Hiện nay, nhiều phòng trà ở Hà Nội đang lay lắt. Là một người kinh doanh, liệu anh có lường trước một kết cục không mấy tốt đẹp?
- Theo đuổi dòng nhạc xưa, chính tôi cũng lẻ loi. Điều đó là bình thường. Nhưng tôi tin, dòng nhạc này vẫn có những khán giả yêu quý, chung thủy với nó.
Theo Thể thao & Văn hóa