Đường vô xứ Nghệ quanh quanh/ Non xanh nước biếc như tranh họa đồ. Câu ca dao này đã quá nổi tiếng. Có một thời chưa xa, người ta còn “chế” thêm 2 câu nữa rất hóm hỉnh: Ai vô xứ Nghệ thì vô/ Còn choa cứ ở Thủ đô choa mần (làm).
Ý nói, xứ Nghệ là đất học, đất cách mạng, nhưng vẫn là mảnh đất nghèo. Thế nên, những người con xứ Nghệ dù yêu quê hương lắm, nhưng học hành xong, họ rất ngại về quê.
SLNA (trái) đang có lợi thế lớn nhất trong cuộc đua tay đôi với SHB.ĐN. Ảnh: VSI
Xứ Nghệ còn là mảnh đất của bóng đá. Người ta cũng nói đùa: ông “đồ xứ Nghệ” vài chục năm qua mê bóng đá còn hơn trường văn, trận bút.
Nhưng 11 năm lên chuyên nghiệp, SLNA cũng không thoát được cảnh nghèo. Thời buổi này, nghèo thì dễ đánh mất mình lắm, nhất là trong bối cảnh cả làng bóng đá đang chạy đua tiền bất tận. Các cầu thủ xứ Nghệ cũng không tránh khỏi tâm lý ráng khoác áo đội một để được cả nước biết đến, sau đó đào thoát khỏi quê hương làm kinh tế. Cũng không trách được, ai chẳng yêu quê hương. Có điều, ở lại đá bóng để ăn cơm với cà pháo và nhút Thanh Chương, trong khi đồng nghiệp trình độ không hơn ở CLB khác tiền bạc rủng rỉnh, ai không cám cảnh.
Thực tế, số ở lại thì tâm không yên, đá năm nóng năm lạnh khiến dân Nghệ nhiều phen giận đến phát rồ. Thế nên mới có câu vè nổi tiếng: Hoan hô đội bóng tỉnh ta/ Đi làm kinh tế phương xa mới về. Cũng có những người từng đã phải bỏ thành Vinh mà đi. Nói đâu xa, bộ ba Nguyễn Hoàng Thụ- Nguyễn Hồng Thanh- Nguyễn Thành Vinh, và cả Hữu Thắng trong ngày trở lại làm nghề, là những trường hợp điển hình.
Nhưng bóng đá Nghệ An trong mùa giải 2011 này thay đổi một cách đột ngột. Hàng loạt tên tuổi đã hồi cố hương. Có lẽ, rất nhiều cầu thủ Nghệ đang tha hương, rất muốn được trở về tắm mình trong không khí bóng đá quê nhà như hiện nay. Bóng đá chuyên nghiệp là phải như thế mới ổn. Nghề nào cũng thế, thực sự có môi trường để thỏa đam mê, nhất là có tiền và được tôn trọng, thì ai cũng sẵn sàng dấn thân. Đã có thể cảm nhận mọt sự chuyển dịch ngược lại, khi bóng đá xứ Nghệ đang đẹp và vượng trở lại. Ai bảo họ không đẹp, khi 8 trận liền chưa thua, 6 trận liền không để thủng bàn nào.
Hôm qua, trước trận đấu, quả là thử thách cho SLNA khi K.KH rất rắn mặt. Năm ngoái sân Vinh họ thắng SLNA, lượt đi mùa này cũng thế. SLNA thắng to như vậy, quả là bất ngờ.
Nhóm trên đã thực sự tách tốp, khi TĐCS.ĐT, HN.T&T bị cầm hòa. May mà “phim” vẫn còn hay, nhờ SHB.ĐN đã thắng V.NB. Cuộc đua vô địch giờ đây đã lộ rõ thế song mã giữa Sông Lam và Sông Hàn. Sông Hàn lãng đãng, nhẹ nhàng đúng như chất của cầu thủ Đà Nẵng. Sông Lam thì cá tính hơn, như chính dàn quân của họ. 2 đội bóng rất “kình” nhau, cả trên băng ghế chỉ đạo. Thế nên, phía trước sẽ còn nhiều câu chuyện thú vị giữa 2 đội bóng được ví như nước và lửa này.
SLNA có lợi thế hơn, không phải khoảng cách 4 điểm, mà là trong đội không pha “tạp chất”, toàn người Nghệ. Cứ nhìn Huy Hoàng chịu đá như thế, họ không phải lăn tăn cầu thủ sẽ trở bệnh trong thời điểm quyết định. Đã 10 năm bóng đá Nghệ An chưa lên đỉnh, nên hào khí đang cuộn dâng, khó có gì cưỡng lại họ.
Có lẽ, điều mà họ đang chờ đợi, là SHB.ĐN sẽ sảy chân để SLNA gia tăng khoảng cách được 7 điểm. Chỉ cần điều đó xảy ra, xem như đội bóng xứ Nghệ đã chạm một tay vào vòng nguyệt quế.
TTVH Online