10 năm trước, ở cái buổi ban đầu chập chững lên chuyên nghiệp, chuyện các đội bóng Việt chủ động rút lui khỏi đấu trường châu Á bằng cách thua dễ và thua sớm, thậm chí là nộp phạt để khỏi “mang chuông đi đánh xứ người”, âu có thể thông cảm. Bởi lẽ, lúc đó trình độ sân chơi châu lục quá tầm với bóng đá Việt. Thêm nữa, với “bầu sữa” tài chính teo tóp lúc đó, các đội nào dám “đa mang” nhiệm vụ quốc tế khi chỉ riêng tiền vé máy bay cho đội sang sân khách cũng đủ khiến lãnh đạo đội tái mặt vì lo.
Thế nhưng giờ, tài chính và chuyên môn đã không còn là rào cản quá lớn với các đội bóng Việt khi nhìn ra sân chơi châu Á. Vậy mà ở mùa năm nay, AFC Cup mới chỉ qua vòng 2 đã sạch bóng các đại diện Việt Nam. Đang nói hơn, cái cách SLNA tung đội hình dự bị ra sân và thua muối mặt Persipura (Indonesia) ở vòng 2 vừa qua, không phải là bóng đá. Đó chỉ là sự hợp thức hóa việc rút lui của đội bóng xứ Nghệ khỏi sân chơi châu lục.
SLNA (trái) đã chủ động “tung cờ trắng” ở sân chơi AFC Cup 2011. Ảnh: Như Ý.
“Chế độ lương, thưởng cho cầu thủ ở V.League cao hơn so với giải của các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á. Thế nhưng, tính chuyên nghiệp của cầu thủ ở V.League không tỷ lệ thuận với lương cao, thưởng hậu. Cứ nhìn cái cách SLNA rời sân chơi châu lục vừa qua, có thể thấy tính chuyên nghiệp của chúng ta còn kém”, chuyên gia bóng đá Trần Văn Phúc phân tích.
Không chỉ các cầu thủ, dưới góc nhìn của ông Phúc, thì dường như nhiều ông bầu ở làng bóng Việt cũng chỉ ôm “giấc mơ con” ở giải quốc nội, chứ không dám vươn mình ra sân chơi quốc tế. “Chẳng có lý do gì có thể biện minh cho việc buông sân chơi châu lục. Một đội bóng chuyên nghiệp phải có chí tiến thủ, phải biết khắc phục khó khăn, phấn đầu vươn tầm quốc tế. Người ta chơi được, tại sao mình lại không? Sẽ là tầm thường nếu các ông bầu bỏ bộn tiền ra đầu tư chỉ để hướng tới chức vô địch V.League rồi tự vỗ tay hoan hô với nhau”.
Với tính chuyên nghiệp thấp và cách nghĩ hẹp hòi như vậy, ai dám bảo bóng đá Việt đã tiến lên nhà nghề nào? Liệu có sai khi nói rằng bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam chỉ là “nghiệp dư hưởng lương cao”?
Đất Việt Online