Một tuần trước khi TTCN đóng cửa, Carlos Tevez vẫn đang chôn chân tại thành Manchester bất chấp những nỗ lực 'đào thoát' suốt vài tháng hè qua. Con đường El Apache đã đi qua, từ khu ổ chuột ngoại ô Buenos Aires đến biểu tượng của một trong CLB giàu có và hùng mạnh nhất hành tinh đủ dài và lắm thăng trầm để có thể... viết thành một thiên phóng sự dài kỳ.
Theo những tài liệu chưa được công bố mà Guardian có trong tay, những 'ông chủ' nắm quyền sở hữu Tevez đã phần nào lộ mặt. Và dĩ nhiên, Joorabchian, vốn được biết đến là người đại diện của Tevez dù chưa có giấy hành nghề FIFA, chỉ là một phần của câu chuyện.
"Kẻ thù của Putin" và đơn kiện giành quyền sở hữu Tevez
Năm 20 tuổi, sau khi Tevez gia nhập Corinthians từ Boca Juniors, quyền khai thác cầu thủ này được bán cho Media Sports Invesment (MSI), công ty môi giới được sáng lập bởi 'Kia'Joorabchian có trụ sở tại quốc đảo British Virgin Islands. Đây là nơi được mệnh danh 'thiên đường thuế má' dành cho các tập đoàn có hoạt động tài chính mờ ám.
Ảnh trên cùng: 'con cờ chiến lược' Joorabchian,
phía dưới bên trái: trùm tài phiệt quá cố Patarkatsishvili,
phía dưới bên phải: 'kẻ thù của Putin' Boris Berezovsky.
Theo tài liệu mà báo Guardian đang nắm giữ, MSI thực chất được điều hành từ một công ty có tên LMC đặt trụ sở tại Gibraltar, một nơi trốn thuế lý tưởng khác. Tháng 7/2007, một thỏa thuận đã được nhất trí giữa MSI, LMC và Arkadi "Badri" Patarkatsishvili, cái tên khét tiếng trong làng công nghiệp ô tô và một trong những nhà tài phiệt giàu nhất thời kỳ hậu Xô-viết, rằng: 'MSI thuộc quyền sở hữu 100% của Arkadi Patarkatsishvili'.
Vị tỷ phú bị săn lùng gắt gao bởi chính quyền Nga và Gruzia đã qua đời vào năm 2008 sau cái chết để lại rất nhiều nghi vấn.
Điều gây bất ngờ là đối tác làm ăn lâu năm của Patarkatsishvili, Boris Berezovsky - người giàu lên bất thường trong kỷ nguyên Yeltsin hiện đang sống ở London - bỗng dưng xuất hiện trước công chúng và công khai tranh chấp quyền sở hữu tài sản mà Patarkatsishvili để lại (ước tính khoảng 10 tỷ bảng), trong đó có MSI, công ty từng kiếm lời hàng chục triệu bảng từ Tevez.
Berezovsky, chính trị gia được coi là kẻ thù của chính phủ Nga thời Vladimir Putin làm tổng thống, khẳng định mọi phi vụ làm ăn ông đều hùn vốn một nửa với người bạn quá cố. Sở dĩ ông giấu tên trong các hợp đồng là để tránh sự truy lùng từ chính phủ Nga. Dự kiến, đơn kiện của Berezovsky sẽ được tòa án tối cao mở phiên xét xử đầu tiên vào tháng 10/2011.
Cỗ máy rửa tiền của các 'ông trùm'
Cùng với những lùm xùm xung quanh chuyện đòi quyền sở hữu MSI, trong năm 2011, dư luận không khỏi đặt ra nhiều nghi vấn xung quanh quyết định rời Man City của Carlos Tevez. Từ vị thế ngôi sao hưởng lương cao nhất tại một CLB thuộc hàng giàu nhất hành tinh, lại đang bước vào độ chín của sự nghiệp, tiền đạo người Argentina gây ngạc nhiên cho tất cả khi đòi ra đi và... trở về Nam Mỹ vì nhớ gia đình!?
Liệu đằng sau quyết định của đương kim vua phá lưới Premier League có sự can thiệp của thế lực bí ẩn nào không?
Câu trả lời có lẽ nằm trong xấp tài liệu mật mà Guardian đề cập. Lật lại những trang hồ sơ, mọi người có thể hiểu rõ hơn bản chất của việc Tevez bị mua đi mượn lại tới 8 lần trong 7 năm qua.
Tevez vẫn sẽ ở lại Man City. Ảnh: Internet
Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 12/2004 khi MSI bất ngờ thôn tính Corinthians và vung tiền chiêu mộ hàng loạt hảo thủ Nam Mỹ, trong đó có Tevez (22 triệu USD) từ Boca Juniors và Mascherano (15 triệu USD) từ River Plate.
Sau khi tỏa sáng ở World Cup 2006, bộ đôi Argentina ký hợp đồng với West Ham dưới hình thức cho mượn. Quyền sở hữu Tevez lúc này được nhượng một phần từ MSI sang Just Sports Inc. Tương tự, Mascherano cũng thuộc về hai cái tên lạ hoắc là Mystere Services vàGlobal Soccer Agencies. Tất cả các công ty này đều đóng trụ sở tại 'thiên đường thuế má'. Chính điều này đã khiến The Hammers bị FA phạt 5,5 triệu bảng vì cố tình để 'bên thứ 3' xen vào hợp đồng. Đặc biệt, 'bên thứ 3' này lại rất bí ẩn và chưa bao giờ lộ tung tích tên các ông chủ thực sự.
Trước khi đưa El Apache về MU, MSI đã bán quyền khai thác thương mại cầu thủ này cho Harlem Springs, một công ty nữa đóng trụ sở ở British Virgin Islands chỉ có một thành viên là... Joorabchian, với giá 24 triệu bảng.
Thời điểm MU mượn Tevez, mỗi năm họ trả cho Harlem Springs 3 triệu bảng và có quyền mua đứt với giá 25,5 triệu bảng. Sau khi hết hạn cho mượn, Sir Alex từ chối mua Tevez. Ngay lập tức, Man City được liên hệ. Theo một nguồn tin đáng tin cậy, 45 triệu bảng là số tiền tỷ phú Sheikh Mansour, chủ sở hữu Man City, trả cho Harlem Springs.
Dù hiện tại không còn liên hệ nào về mặt pháp lý với Tevez, song 'Kia' Joorabchian vẫn có tầm ảnh hưởng rất lớn lên tiền đạo này. Chính 'siêu cò' người Iran được cho là người thuyết phục Tevez chuyển về... Corinthians.
Rõ ràng, con đường chuyển nhượng của Tevez vô cùng vòng vo, phức tạp với sự tham gia của rất nhiều thế lực bí ẩn cùng những rắc rối pháp lý kèm theo. Theo tính toán, trong 7 năm qua, Tevez đã giúp các công ty sở hữu mình hợp thức hóa số tiền lên tới 70 triệu bảng.
Năm nay, Tevez mới 27 tuổi, tiềm năng khai thác vẫn còn rất lớn. Có lẽ còn rất lâu nữa, cầu thủ này mới thoát khỏi 'chiếc cũi' mà các ông trùm đầy quyền lực tạo ra.
PL&XH