Cho đến nay, chúng ta đã biết đến hơn 40 loài vi sinh vật gây ra gần 20 hội chứng/bệnh LTQĐTD, trong đó có nhiễm HIV gây hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (AIDS).
Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục là biện pháp an toàn phòng chống nhiễm bệnh lây truyền qua con đường này. Ảnh: minh họa - Internet
Trên thế giới, bệnh LTQĐTD cũng khá phổ biến. Hàng năm, có khoảng 390 triệu người mắc các bệnh LTQĐTD. Trong các nước đang phát triển thì các bệnh LTQĐTD là một trong năm bệnh hàng đầu gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cho loài người hiện nay. Tương tự, tại các nước phát triển tỷ lệ mắc bệnh LTQĐTD cũng khá cao.
Tại Mỹ, hàng năm có khoảng 15 triệu người mắc bệnh LTQĐTD, trong đó 4 triệu là vị thành niên và 6 triệu là những người trưởng thành trẻ tuổi. Tỷ lệ hiện mắc Chlamydia tại Mỹ là 4,8% trong năm 2003. Tại Braxin, tỷ lệ hiện mắc bệnh LTQĐTD là 13,5% trong năm 2003. Tại Trung Quốc, tỷ lệ mắc bệnh LTQĐTD trong năm 2003 là 20,1%, trong đó phổ biến nhất là Chlamydia chiếm 9,4% và herpes chiếm 9,3%. Tỷ lệ hiện mắc bệnh LTQĐTD tại Nam Phi trong năm 2003 là 20%.
Tuy rằng, các bệnh LTQĐTD đã được y học hiểu biết khá đầy đủ cả về căn nguyên, mức độ phổ biến và một số yếu tố nguy cơ. Nhưng do đặc điểm của bệnh LTQĐTD là những bệnh mang tính xã hội và tương đối nhạy cảm cho nên số lượng các trường hợp bệnh LTQĐTD được báo cáo là không đầy đủ. Tại Việt Nam, theo số liệu thu thập hàng năm từ các báo cáo của các tỉnh/thành phố trong toàn quốc từ 2001- 2010 có 3.722.474 trường hợp mắc bệnh LTQĐTD. Tuy nhiên, theo ước tính của các chuyên gia thì hàng năm có gần 1 triệu trường hợp mắc các bệnh LTQĐTD.
Mặc dù từ thập kỷ 40 của thế kỷ trước, trị liệu kháng sinh có hiệu lực mạnh diệt các tác nhân gây bệnh là vi khuẩn như xoắn khuẩn giang mai, lậu cầu khuẩn... nhưng bệnh vẫn tăng trưởng vào các thập kỷ sau. Yếu tố nguy cơ của bệnh LTQĐTD là sinh hoạt tình dục không an toàn và mại dâm liên quan đến những vấn đề có tính chất toàn cầu như:
Thay đổi quan niệm về tình dục: Khác với trước kia nhiều nước được coi là tương đối khắt khe về quan hệ tình dục trước hôn nhân nhưng hiện nay quan niệm này bị thay đổi dẫn đến việc quan hệ tình dục tự do, đặc biệt là các nước châu Á.
- Lối sống không lành mạnh, tệ nạn mại dâm trở nên phổ biến ở nhiều nước phát triển và đang phát triển cũng là một yếu tố nguy cơ rất cao của bệnh LTQĐTD, đặc biệt là HIV/AIDS.
- Quá trình toàn cầu hoá và tự do thương mại dẫn đến sự giao lưu về lối sống không lành mạnh giữa các nước khác nhau.
- Quan hệ tình dục đồng giới không qua đường sinh sản đã làm cho một số bệnh đường ruột trở nên lây qua quan hệ tình dục như lỵ trực trùng, lỵ a míp và một số bệnh lây qua đường tình dục có biểu hiện ở hậu môn-trực tràng như bệnh lậu, giang mai, sùi mào gà, herpes. Hơn nữa, quan hệ qua đường hậu môn có nguy cơ cao hơn lây nhiễm HIV.
- Một số tác nhân gây bệnh LTQĐTD mới như virus ngày càng chiếm ưu thế trong mô hình bệnh này. Từ năm 1981, tình hình khẩn cấp về HIV/AIDS đã làm tăng thêm bằng chứng về những khó khăn trong kiểm soát các bệnh LTQĐTD. Trong một thời gian ngắn, dịch HIV/AIDS đã trở thành một chủ đề nổi trội cả về y tế lẫn xã hội.
Chính đại dịch HIV/AIDS đã làm cho con người phải đối mặt với nhiều thách thức trong thế kỷ 21. Bệnh LTQĐTD và nhiễm HIV/AIDS có mối quan hệ mật thiết với nhau. Không còn nghi ngờ gì nữa, nhiễm HIV/AIDS là một mẫu hình của bệnh LTQĐTD, có thể xem đây là hai bạn đồng hành. Khi bị bệnh LTQĐTD thì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm HIV; khi bị nhiễm HIV/AIDS sẽ làm cho việc điều trị các bệnh LTQĐTD sẽ trở nên khó khăn hơn, bệnh kéo dài hơn. Điều trị tích cực các bệnh LTQĐTD sẽ làm giảm lây nhiễm HIV đáng kể.
Từ khi có những phát hiện sinh học về các bệnh LTQĐTD đến nay có khá nhiều thuật ngữ khác nhau để chỉ các bệnh này. Thuật ngữ đầu tiên được sử dụng là các bệnh hoa liễu (tiếng Anh là Venereal diseases, tiếng Pháp là Maladies vénériénnes) để chỉ các bệnh hoa liễu cổ điển lây truyền qua quan hệ tình dục (từ Venereal lấy từ nhân vật nữ thần Venus - nữ thần sắc đẹp và ái tình trong thần thoại Hy Lạp).
Các bệnh đó là bệnh giang mai, bệnh lậu, hạ cam, hột xoài và u hạt bẹn hoa liễu. Từ thập niên 70 của thế kỷ 20, người ta đã phát hiện thêm các tác nhân gây bệnh mới LTQĐTD, từ đó thuật ngữ bệnh hoa liễu được thay bằng các bệnh lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Diseases- STDs). Đến năm 1997, Tổ chức Y tế thế giới đã thống nhất gọi là các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (Sexually Transmitted Infections- STIs).
Như vậy, các bệnh LTQĐTD và các nhiễm trùng LTQĐTD khác nhau như thế nào?
- Các bệnh LTQĐTD để chỉ các bệnh thuộc nhóm này mà có biểu hiện lâm sàng và có thể phát hiện được qua khám lâm sàng.
- Các nhiễm trùng LTQĐTD không những gồm các bệnh LTQĐTD có biểu hiện lâm sàng mà cả các bệnh nhân có nhiễm trùng ở sinh dục và ngoài sinh dục không biểu hiện triệu chứng bệnh: ví dụ như bệnh giang mai kín, nhiễm C. trachomatis ở phụ nữ có tới 70-80% không có biểu hiện triệu chứng bệnh...
Ngoài ra, cũng cần phải phân biệt thuật ngữ các tác nhân LTQĐTD với các tác nhân có thể LTQĐTD. Các tác nhân có thể LTQĐTD khi các đường lây truyền khác không phải đường tình dục chiếm ưu thế hoặc chỉ LTQĐTD chủ yếu ở người trưởng thành, còn ở trẻ em lây qua tiếp xúc.
Ví dụ như: các virus CMV, HBV chủ yếu lây truyền qua tình dục ở người trưởng thành nhưng ở trẻ em thì qua đường khác: qua tiếp xúc trực tiếp da - da, qua truyền từ mẹ sang con và qua truyền máu. Một số tác nhân khác như M. hominis, G. vaginalis, Liên cầu nhóm B, HTLV-II, C. albicans... cũng không hoàn toàn là LTQĐTD.
SK&ĐS