Và nếu xét ở tiêu chí này để làm hệ quy chiếu thì những gã nhà giàu của bóng đá VN đang thiếu đi cái cơ sở đó.
Với B.BD, từ khi có những thay đổi ở thượng tầng CLB, ông Trần Văn Đường vì nhiều lý do không tiếp quản đội bóng, B.BD đã bắt đầu có dấu hiệu của cuộc khủng hoảng ở mùa giải này. Những sai lầm trong chính sách chuyển nhượng đầu mùa bóng khiến họ thật sự gặp phải những vấn đề gai góc chưa có hồi kết. Chỉ nhìn thoáng qua về bản danh sách đăng ký ngoại binh của B.BD mùa này sẽ thấy những bất hợp lý. “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. B.BD vẫn “máu” bóng đá và khát chức vô địch lắm. Sẵn có nhiều tiền, họ không phải nghĩ về tiền bạc khi chiêu mộ những ngôi sao tiếng tăm, rồi mới vời HLV về để bắt họ điều chỉnh lối đá theo ý lãnh đạo. Khổ nỗi, đâu phải HLV nào cũng cao tay để làm theo lời lãnh đạo?!
Cả B.BD (trái) lẫn ĐT.LA đều đang tự suy yếu vì những vấn đề nội bộ. Ảnh: Quang Nhựt
HLV Formosinho được đưa về để gắn kết những dàn sao “triệu đô” ở đất Thủ. Nhưng đến giờ này, khi CĐV B.BD chưa biết dùng từ nào để diễn tả nỗi thất vọng về chân sút Nwafor, hay bài toán Lee Nguyễn – Leandro ở trung tâm hàng tiền vệ vẫn chưa thể tìm được lời giải, thì những lỗ hổng ở hàng phòng ngự đã hiển hiện khiến ông thầy người Bồ không biết lấy gì mà vá víu. Nhiều ngôi sao tấn công, nhưng hàng thủ phá (20 bàn, thủng lưới nhiều nhất V-League hiện tại) còn hơn hàng công làm (17 bàn), hiệu số +3. B.BD đang mất cân bằng nghiêm trọng giữa tấn công và phòng ngự. Chiếc ghế của HLV Formosinho đang lung lay dữ dội qua mỗi vòng đấu và người ta đang có thể đếm ngược “từng nốt nhạc” là vì thế.
Với ĐT.LA, “Gạch” không có những sự thay đổi mang tính “đột phá” như B.BD. Nhưng họ lại có những quyết định thuộc dạng “táo bạo” nhất bóng đá VN trên cabin huấn luyện. Trung thành với các thầy ngoại nhưng lại sẵn sàng cho các HLV không “hạp ý” ra đường. Từ thời HLV Calisto còn đương nhiệm, “Gạch” trung thành với lối đá phòng ngự phản công và có thời nó đã là bản sắc của ĐT.LA. Thế nhưng, từ khi HLV Calisto ra đi đã mang theo những gì tinh túy nhất của Gạch. Đội bóng của bầu Thắng bây giờ đang nằm trong tình cảnh đáng báo động.Việc họ đứng áp chót bảng xếp hạng, chỉ xếp trên đội được cho là đã chắc suất xuống hạng HN.ACB, nhưng hiệu số bàn thắng bại ngang bằng (-10) đủ nói lên sự bi đát của Gạch.
Vẫn có HLV ngoại đấy, vẫn có chí hướng cao đấy, nhưng những con người để thực thi ý tưởng của “Gạch” bây giờ chẳng có ai. Những công thần chán nản đến độ ra đi để tìm thành công mới. “Gạch” muốn làm bóng đá có gốc có rễ nên không bứt ngọn để phá hoại tương lai nhưng tìm đỏ mắt cũng chẳng có cầu thủ trẻ trưởng thành từ lò của Gạch đủ khả năng đứng chân trong đội hình 1. Chỉ dẫn 1 tiểu tiết, tại VCK U21 toàn quốc ở Pleiku tháng 10 năm 2010, U21 ĐT.LA tỏ ra lép vế hoàn toàn so với những địa phương khác và bật bãi chỉ sau vòng đấu bảng. Nhưng khác với B.BD đã có những động thái làm mới mình (đầu tiên là sự thay đổi GĐĐH) để vực dậy đội bóng, còn ĐT.LA thì vẫn kiên định với công thức vốn đã sáo mòn của mình, vẫn chưa thấy quyết tâm gì để vực dậy đội bóng.
Đó là chưa kể những vấn đề nảy sinh trong nội tình. Ai cũng biết những mâu thuẫn chưa có hồi kết giữa những ngoại binh ở ĐT.LA. Tồn tại trong cái môi trường bóng đá ở Gạch, các cầu thủ dễ nảy sinh tâm lý chán nản cũng là lẽ thường. Còn ở một cái tập thể nhiều sao như B.BD, với những cái tôi lớn như thế thì ai sẽ phục vụ lợi ích của ai, trường hợp của cựu cầu thủ XM.HP Leandro là dẫn chứng, đó là chưa kể những ức chế nảy sinh từ việc bị sắp đặt sai sở trường hoặc làm bạn với băng ghế dự bị. Với vài chục con người trong mỗi đội bóng thì việc phát sinh những mâu thuẫn như thế là lẽ thường tình. Nhưng làm sao để giải quyết một cách thấu đáo những vấn đề đó có lẽ sẽ cần phải có thời gian, trong khi hậu quả nhãn tiền thì đã thấy rồi.
Khi TĐCS.ĐT vẫn rất nửa vời cùng sự xuống dốc có hệ thống của 2 cựu vương như vừa nhắc, không phải ngẫu nhiên mà TT&VH đã từng nhận định rằng nhà vô địch Eximbank V-League 2011 sẽ không nói giọng miền Nam.
Thể thao & Văn hóa Online