Thuở bé, thi thoảng tôi lại được má dắt theo để đi “bắt ghen”. “Đối tượng” có thể là cô công nhân vẻ ngoài dễ coi, có thể là cô bán quán có hoàn cảnh đáng thương, cũng có thể là một cô nhân viên văn phòng tình cờ quen biết ba tôi qua công việc…
Ba tôi không say mê đắm đuối một cô nào nhất định. Má tôi “phá” mối nào, thì ông cũng bỏ luôn mối đó, chẳng tha thiết gì. Rồi năm bữa nửa tháng, lại nghe phong thanh ông cặp kè với một cô khác. Má tôi lại xấp xải thu thập thông tin, chứng cớ, để… đánh ghen, ba mặt một lời, cho ba tôi hết đường chối cãi.
Ảnh: GettyImages.com
Mà ba tôi có muốn cãi cũng không được. Chuyện bồ bịch của ba tôi, cũng như của nhiều người đàn ông thời đó, xứ đó, như nửa vụng trộm, nửa công khai. “Miễn sao ổng chịu mang tiền về nuôi con là được rồi”, đã có người nói thẳng với má tôi như vậy. Nhưng má tôi không chấp nhận. Chưa hẳn vì tình yêu, nhưng ý nghĩ ba tôi làm ra tiền cho gái ăn, khiến má tôi không sao chịu nổi. Cả đời bà cặm cụi với chợ búa, con cái, thiệt thòi, khổ sở biết sao kể xiết.
Má tôi nói nhiều, nói dai, nói trường kỳ ngày này qua ngày khác. Bình thường, ba tôi im lặng mỗi khi vợ đay nghiến, chửi rủa, xúc phạm tình địch. Đến khi quá sức chịu đựng, thì ba tôi đổ quạu, dằn mâm xáng chén, sẵn sàng đánh đập vợ con. Tuổi thơ mấy chị em tôi chìm trong nỗi sợ hãi, trong những trận “bắt ghen” ầm ĩ cả xóm làng.
Sau mỗi lần “chinh chiến” như vậy, tôi lại thấy mình già đi nhanh kinh khủng, thấy niềm tin vào hạnh phúc và tình yêu dường như chẳng bao giờ tồn tại. Trong mắt tôi, tất cả các cô gái trẻ trung, xinh đẹp, ăn mặc gợi cảm… đều đáng ngờ, đều chẳng đàng hoàng gì. Tôi trở nên lì lợm, ương bướng. Má tôi chắc cũng nhận ra mình sai khi kéo con cái vào cuộc theo cái cách chẳng mấy tốt đẹp đó.
Có lẽ, má nghĩ đơn giản, dắt tôi theo để khỏi mang cảm giác đơn độc. Để ba tôi nhìn thấy con mà chùn bước, để bảo vệ má khỏi những bất trắc mơ hồ nào đó. Tôi, với suy nghĩ non nớt của mình, cũng háo hức, cũng căm giận, cũng muốn nắm tóc, xé áo cái “con hồ ly tinh” đã cướp ba tôi, làm cho gia đình tôi khốn khổ. Tôi nhớ mãi lần cùng má “phục kích” bên ngoài căn nhà lá, chờ ba tôi vừa đi khỏi là má tôi ập vào. Người phụ nữ đó còn trẻ, tỏ thái độ thách thức, không sợ hãi, cũng chẳng chút gì e dè. “Bà đụng tới tui là chồng bà bỏ bà liền, thiệt đó”, câu nói ngang nhiên chẳng xem ai ra gì của chị ta làm má con tôi phẫn nộ. Tôi điên cuồng nhào vô cào cấu. Và người phụ nữ đó, có thể sẽ đánh trả nếu má tôi “đánh ghen” như trong những bộ phim với hoàn cảnh tương tự. Nhưng với tôi, cô ta đã không dám đụng đến. Vì dù thế nào, tôi vẫn là con gái lớn của ba tôi. Người đàn ông có thể bạc bẽo với vợ, nhưng chưa chắc đã nhẫn tâm bỏ con. Cô bồ của ba tôi chắc cũng ít nhiều hiểu ra điều đó. Nên lần đó, mẹ con tôi trở về, sau khi đã “dằn mặt” cô kia một trận tưng bừng, trước sự cổ vũ reo hò của biết bao người xúm đen xúm đỏ chứng kiến.
Nhưng nỗi cay đắng trong lòng chúng tôi thì không gì có thể xoa dịu. Tôi thương má tôi, và oán hận người đàn ông Sở Khanh, tham lam, tệ bạc. Có người phụ nữ nào cam lòng chịu sự chia sẻ. Tôi hiểu ra, những lần vất vả theo dấu nhân tình của ba tôi chẳng mang lại cho má tôi điều gì tốt lành, ngoài những tủi nhục.
Khi tôi lớn hơn chút, hiểu hơn chút, biết đau hơn chút, tôi mới nhận ra sai lầm của má con tôi ngày đó. Tôi khuyên má nên bình thản mà sống. Tôi cũng sắp trở thành gái già mất rồi, nhưng sự nghi ngờ cảnh giác đối với đàn ông vẫn chưa bao giờ vơi bớt. Làm sao tôi dám mở lòng với ai bây giờ? Tôi cũng không theo má đi bắt ghen nữa, vì chẳng ích gì. Ba tôi còn sức thì đi, khi về già, đau bệnh, cũng “lối cũ ta về”, chờ mong một bàn tay bao dung chìa ra. Không ai đánh người chạy lại, nhưng cuối đời, chắc ông cũng chẳng thể ẩn náu dưới một mái nhà thật sự của mình…
PNO