Kể từ nay, bộ đôi chiến hữu tuổi trẻ, tài cao sẽ người Nam, kẻ Bắc, cùng giã biệt sắc áo đỏ trắng. Nasri đi theo tiếng gọi của những đồng bảng, ngược lên vùng Tây bắc nước Anh, về dưới trướng “Gã nhà giàu” Man City. Fabregas bước chân trở về với vòng tay của mẹ quê hương, quay lại cố quận Catalan trong màu áo “Gã khổng lồ” Barcelona.
Người “đau” nhất trong cuộc chia li này chính là Arsene Wenger. Ông là người đã dày công chiêu mộ và “chăm bẵm” 2 cầu thủ này, đưa họ từ chỗ chỉ thuộc dạng tiềm năng vụt sáng thành những ngôi sao đích thực. Giờ đây, sau 6 năm trắng tay lại hoàn tay trắng, khi cả “danh” và “lợi” đều không còn, 2 ngôi sao ấy đã lần lượt rời bỏ bầu trời Emirates. Được và mất, Wenger có lẽ là người thấm thía nhất!
Được tiền, yên nội bộ…
Chuyển nhượng cầu thủ trong bóng đá hiện đại đã là chuyện rất bình thường. Hàng năm, có hàng trăm triệu bảng trao qua, đổi lại giữa những câu lạc bộ. Những cuộc ra đi, những chuyến cập bến của biết bao nhiêu cầu thủ vẫn nườm nượp không khi nào dứt. Nasri và Fabregas chỉ là hai trong số những thương vụ như thế. Mục tiêu tối thượng của việc mua bán, kinh doanh phải là lợi nhuận. Cũng như vậy, khi chấp nhận bán đi 2 viên ngọc, 2 ngôi sao sáng nhất của mình, Arsenal đã thu về một số tiền không hề nhỏ.
Tạm biệt nhé Emirates. Ảnh: Internet
Sau nhiều lần ngã giá, cò kè bớt một, thêm hai, cuối cùng Barca cũng đã đồng ý móc hầu bao trả Arsenal 35 triệu bảng cho thương vụ Fabregas. Man City gần như ngay tắp lự đồng ý mức giá ngất ngưởng 22 triệu bảng cho một cầu thủ chỉ còn 1 năm hợp đồng như Nasri. Do đó, Arsenal có thể thu về gần 60 triệu bảng từ 2 cái tên đã không còn mặn mà với đội bóng này. Trước đó, Wenger đã bán Clichy sang Man City với giá 7 triệu bảng. Ngân quỹ của “Pháo thủ” vẫn còn rất rủng rỉnh khi họ mới chỉ chi ra khoảng 23 triệu bảng để mang về Gervinho và Chamberlain. Số tiền còn lại quá đủ để Wenger có những toan tính về nhân sự mới cho công cuộc tái thiết đội bóng của mình.
Ở một diễn biến khác, việc Nasri và Fabregas ra đi không hẳn đã là chuyện buồn đối với tập thể đội bóng. Thực tế, ngay trong lúc mùa giải 2010 – 2011 đang diễn ra căng thẳng, Nasri và Fabregas đã nhiều lần lên tiếng đòi đi tìm bến đỗ mới. Làm sao một đội bóng có thể chinh phục những danh hiệu đỉnh cao khi trong tập thể ấy mọi người không cùng nhìn về một phía? Bán Nasri, Fabregas chính là một động thái cứng rắn nhằm thiết lập lại kỉ luật của câu lạc bộ. Tốt nhất nên để những cầu thủ “nổi loạn” ra đi còn hơn là chứa chấp “mầm họa”.
Wolfburg đã lục đục suốt cả một mùa qua vì kẻ phá bĩnh Diego. Man City tuy có một mùa giải không tệ nhưng chẳng lúc nào phòng thay đồ không chao đảo sóng gió vì “ngựa chứng” Balotelli hay “gã đỏng đảnh” Tevez. Nasri và Fabregas chưa đến mức bất trị như vậy nhưng ai dám chắc rằng nếu giam cầm họ thêm một mùa giải nữa điều tồi tệ lại không xảy ra?
… nhưng mất thương hiệu, gãy trụ cột, tiêu vong hi vọng
Kể từ khi đoàn quân đỏ trắng quên mất những danh hiệu và đỉnh cao, những cầu thủ tốt nhất, những chiến binh thiện nghệ nhất của họ cũng lũ lượt rời bỏ mái ấm Highbury ngày xưa, Emirates bây giờ. Trước Nasri và Fabregas ít ngày, Clichy đã “mở đường máu” đào ngũ sang Man City. Mùa trước, Arsenal đã chia tay Gallas và Senderos, trước đó nữa, Kolo Toure và Adebayor cùng rũ áo ra đi. Lật lại những cái tên từng rời bỏ “Pháo thủ” có thêm: Eduardo, Flamini, Hleb, Henry, Gilberto Silva, Viera…
Hầu như cứ mỗi năm, cổ động viên “Pháo thủ” lại phải ngậm ngùi đưa tiễn một hoặc hai ngôi sao của mình ra đi. Đó quả là điều không ai muốn. Nhưng thực tế nó vẫn diễn ra như một thông lệ ở Emirates sau mỗi “vụ mùa” thất bát, trắng tay.
Hệ lụy trước tiên là giá trị thương hiệu của đội bóng sẽ giảm sút trầm trọng. Câu lạc bộ mất đi hình ảnh, tầm ảnh hưởng, vị thế đã đành, chuyện mở rộng kinh doanh: bán áo, bán vé, du đấu… cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu cứ liên tục nhiều năm chìm trong vũng bùn của thất bại, đội bóng sẽ chẳng thể thu hút được một tài năng nào nữa! Juan Mata của Valencia mới đây đã thẳng thừng từ chối Arsenal, một lòng chỉ hướng tới Inter. Benzema còn phũ phàng hơn, tuyên bố sống chết cũng không về Emirates.
Mặt khác, Nasri và Fabregas dứt áo ra đi đã để lại những khoảng trống khó lòng san lấp được ở tuyến giữa của “Pháo thủ”. Chiến thuật tấn công hoa mĩ vốn làm nên thương hiệu của Wenger và Arsenal đứng trước nguy cơ sụp đổ hoàn toàn. Nasri và Fabregas giống như những cột trụ vững vàng ở tuyến tiền vệ suốt mấy năm qua, nơi luôn là niềm tự hào của Arsenal.
Có hai đại tướng ấy, Wenger tha hồ sáng tạo lối chơi cho “Pháo thủ”. Giờ ngoảnh đầu nhìn lại, chẳng thể tìm ra được cái tên nào đủ sức khỏa lấp mất mát lớn ấy? Một Rosicky đã già đi rõ rệt hay một Alexander Song cồng kềnh đã quen “ăn no vác nặng”?
Không phải vô lí mà Wenger đã bỏ ra cả mấy tháng trời thuyết phục, nài nỉ, thậm chí cả đe dọa Nasri lẫn Fabregas. Người ta bảo đó là “đòn gió”, là chiêu ép giá cầu thủ. Nhưng trong thâm tâm, hơn ai hết, Wenger là người muốn 2 học trò cưng của mình ở lại nhất. Bởi bán bộ đôi này đi, có thể Arsenal sẽ thu được một khoản tiền không nhỏ, nhất là trong bối cảnh luật công bằng tài chính đang làm khó nhiều ông lớn làm ăn hoang phí.
Nhưng tiền không phải là thứ mà Wenger và BLĐ đội bóng cần lúc này. Để Nasri và Fabregas ra đi, có thể mãi mãi Arsenal sẽ chìm sâu trong bóng đêm tối tăm không danh hiệu, không hào quang. Cuộc đại cách mạng mà Wenger nung nấu chắc chắn sẽ tiêu vong từ trong trứng nước!
Nasri và Fabregas thực sự có sức ảnh hưởng lớn tại Arsenal nhưng không phải không thể thay thế. Trước đó, đã bao lần, Arsenal gạt lệ tiễn chân những công thần như Viera, Pires, Ljungberg thậm chí cả Campbell, Henry… Nhưng rồi sau mỗi cơn khủng hoảng trầm trọng tưởng như đã đánh gục “Pháo thủ” ấy, đội bóng vẫn đứng dậy rất kiên cường. Liệu lần này, lịch sử có còn đúng?
Tiểu Long