QUÁ ĐÀ
Ngày cuối tuần, cả nhà đang vui vẻ ăn tối thì chuông di động reo. Chị buông đũa đi “ôm” điện thoại. Sau vài phút, chị vẫn chưa có dấu hiệu ngừng câu chuyện đang “tám” dở với cô bạn gái. Anh đằng hắng, chỉ tay vào bát cơm, ý bảo vợ nên ngưng điện thoại để tiếp tục ăn. Chị phớt lờ. Đang ăn mà vợ lại vui vẻ cười đùa qua điện thoại với người khác, chồng khó chịu thế nào ai cũng hiểu. Vậy mà anh phải chịu cảm giác đó tra tấn kéo dài. Hơn 10 phút chịu đựng, anh ném bát đánh sầm, hầm hầm bỏ đi. Vậy mà chị vẫn chưa chịu cúp điện thoại, tiếp tục nói với cô bạn: “Không có gì đâu, lão hâm nhà mình ấy mà, đôi khi lên cơn vậy đó. Lúc nãy nói đến chuyện gì rồi nhỉ?”.
Đến tối, bớt nóng, anh chủ động chia sẻ: “Anh không muốn cư xử thô lỗ, nhưng sao đã về nhà, nhất là trong bữa ăn mà em không thể buông cái điện thoại ra được? Bạn bè của em quan trọng đến thế à?”. Chị khăng khăng: “Bạn có chuyện cần tâm sự với mình thì mới gọi chứ, sao anh nhỏ mọn quá vậy?”. “Anh không nhỏ mọn, có bao giờ em để ý cảm giác của người khác không? Nếu đang ăn cơm với em mà bạn anh gọi, anh cứ nheo nhéo cả nửa tiếng đồng hồ như thế, em có chịu nổi?”. Vợ lẫy: “Thôi, anh không thích em có bạn thì thôi, em không chơi với ai nữa, cho anh vừa lòng”.
Câu chuyện của anh Quang, chị Thanh (vừa kể trên) chưa dừng lại ở đó. Anh vốn hậm hực chị nhiều như vậy là vì không chỉ gọi điện thoại, nửa đêm, chị còn lục sục nhắn tin với bạn. Tin nhắn bắn qua bắn lại và cảm xúc của chị dồn hết cho việc nhắn tin, khiến anh nằm cạnh vợ mà như người bị bỏ rơi.
Chị có nhiều bạn, nhưng thân nhất là hai cô đồng nghiệp. Mỗi lần gặp bạn hay trò chuyện với bạn qua điện thoại là chị hồ hởi như gặp người yêu. Nhìn vợ vui vẻ với bạn mà anh chạnh lòng. Thần khí ấy, nụ cười ấy, những lời nói ngọt ngào ấy đã lâu vợ không dành cho chồng, nhưng gặp bạn là “tuôn” ra nhiệt tình.
Bạn gái của vợ đã gây khó chịu cho chồng như thế, bạn khác giới của vợ còn dễ khiến chồng “sôi máu” hơn.
Một ngày, chị Ngọc Lan (nhân viên kế toán làm việc tại Q.3, TP.HCM) về tâm sự với chồng: “Công ty em mới tuyển cậu nhóc dễ thương lắm, hiền lành, nhiệt tình, biết quan tâm đến người khác. Hai chị em chơi với nhau rất hợp”. Anh Thăng, chồng chị, nghe qua cũng mừng. Thế nhưng, sự đời không đơn giản.
Có vẻ chị quá hợp với cậu bạn mới, cùng làm việc, cùng đi chơi cầu lông, cùng bàn về điện ảnh, ca nhạc. Mỗi tối, chị về kể cho chồng nghe một cách vô tư, đại loại như “thằng nhóc ấy đánh cầu cực hay, mà lại biết nhường đối thủ lắm, nên chẳng làm ai bực dọc bao giờ”; “cậu nhóc ấy rất có gu thưởng thức điện ảnh, phim nào em thích, cậu ấy cũng thích”; “nhóc ấy là đàn ông mà nấu ăn khéo lắm nhé, hôm nọ đưa món chả giò tự làm lên cho cả phòng ăn”. Vì sợ mang tiếng ghen vớ ghen vẩn nên anh Thăng vẫn gượng cười khi nghe vợ kể, nhưng lòng thì như có lửa đốt. Làm sao chịu nổi khi vợ say sưa ca ngợi một người đàn ông khác trước mặt mình?
Minh họa: NOP
“Đôi bạn” trò chuyện với nhau ở công ty chưa chán, tối về lại rục rịch nhắn tin cho nhau. Vợ cứ kè kè điện thoại bên mình. Lúc nấu cơm cũng nhắn cho bạn, lúc tắm cho con cũng tranh thủ nhắn tin. Chưa hết, đến khuya còn tranh thủ chat với bạn qua máy tính...
Mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm khi chị đi du lịch ở Phan Thiết với các đồng nghiệp trong phòng. Chuyến đi có tất cả bốn người, trong đó có chị Lan và cậu bạn. Trước ngày đi, chị hào hứng chuẩn bị, rồi nhắn tin, gọi điện í ới cho nhau khiến anh nóng bừng cả mặt. Ngày hôm sau, anh gọi điện thoại cho vợ liên tục nhưng vợ không bắt máy, nhắn tin cũng không trả lời. Vì thế mà anh ngồi tưởng tượng ra đủ chuyện xấu giữa vợ và cậu bạn kia. Anh giận quá, bắn đi cái tin: “Em đi luôn đi, đừng về nhà nữa”.
Sau chuyến du lịch, vợ vẫn vô tư bảo chồng: “Chỉ là bạn thôi mà, có gì đâu”. Chị vẫn không hiểu tại sao chồng mình trở nên bẳn tính chỉ vì những chuyện liên quan đến những người bạn của vợ.
Không chỉ chuyện ghen tuông, việc bạn của vợ đến nhà chơi, người chồng tiếp đãi, ứng xử thế nào cũng không phải đơn giản. Phần lớn đàn ông thường có thói quen ga-lăng với tất cả phụ nữ, trừ… vợ! Thế mới có chuyện cười ra nước mắt thế này: cô bạn của vợ anh Dũng đến nhà chơi. Của đáng tội, cô bạn ấy lại ăn mặc rất thoáng, cổ áo… hững hờ, ngồi thì vô ý vô tứ. Anh Dũng cũng vô tư, xăng xái chạy ra rót nước, chuyện trò, hỏi han. Vợ bảo khéo: “Anh vào cắm nồi cơm giúp em”. Anh vui vẻ: “Thôi, chưa cần cắm vội”. Lúc ra về, anh đon đả ra dắt xe cho bạn của vợ, lại dặn dò “em về cẩn thận nhé, trời khuya rồi đấy!”. Bạn về, vợ anh sa sầm mặt, giận!
ĐÂU LÀ GIỚI HẠN?
Chuyện vợ có bạn, tất nhiên là bình thường, và mối quan hệ giữa vợ và bạn gái, bạn trai cũng bình thường. Thực tế, những… bất thường xảy ra, thường là do người vợ không biết giữ ý.
Ảnh: P.Huy
Chị Thu Nguyệt (một tiểu thương ở chợ Gò Vấp, TP.HCM) chia sẻ chân tình: “Tôi từng bị ông xã cự nhiều về chuyện hay “nấu cháo” điện thoại với mấy bà bạn. Tôi thắc mắc: “Ông thoải mái bù khú với bạn bè ở ngoài không sao, tôi nói chuyện điện thoại với bạn một tí lại không được?”. Ông nói: “Bà cứ bắt tôi về nhà sớm, về để ngồi… xem bà nướng điện thoại như vậy, thử hỏi, về sớm để làm gì?”. Chị Nguyệt rút kinh nghiệm: “Hóa ra, không phải cứ ở nhà là tự do, muốn làm gì thì làm. Phải để ý cảm giác của người khác. Trong một ngày, vợ chồng chỉ được gặp nhau trong thời gian ngắn ngủi buổi tối, nếu tám điện thoại nữa thì chồng bực là đúng”.
“Việc “tám” chuyện điện thoại với bạn còn vô tình gây bực tức cho chồng bởi giọng điệu, nội dung nói chuyện quá thân mật” - đó là đúc kết của chị Mỹ Thắm (nhân viên văn phòng, làm việc tại Q.3, TP.HCM). Thế nên, theo chị Thắm điều cần thiết là phải biết “nhạy cảm” với mối quan hệ bình thường ấy. Phải tinh ý quan sát xem ý tứ chồng thế nào, từ đó tìm ra được giới hạn với bạn bè. Quan trọng là làm thế nào để vừa làm hài lòng chồng, vừa giữ được bạn.
Thực tế, trong mối quan hệ giữa vợ với bạn của vợ, người chồng mới là nhân vật “khó xử” nhất. Nếu có kinh nghiệm, người chồng ấy sẽ được bạn bè của vợ quý mến, mà bản thân vợ cũng được hãnh diện vì có ông chồng giao tiếp cởi mở. Ngược lại, mối quan hệ của vợ với bạn bè ngày càng thu hẹp, bản thân người chồng cũng bị xem thường.
Anh Tạ Quang Nhật (chủ một shop hoa tươi ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Q.3, TP.HCM) nhận định: “Theo quan niệm của tôi thì lúc gặp gỡ bạn bè của vợ phải tập trung để “sắm vai” một người đàn ông điềm đạm, đúng mực. Nếu là người vốn ít nói, cũng nên chịu khó xã giao một chút để tạo hòa khí. Còn người vốn quá cởi mở, vui tính, cũng phải biết tiết chế, để khỏi mang tiếng lả lơi với bạn của vợ”. Anh Nhật chính là mẫu người vui tính, dí dỏm, nhưng sau nhiều lần “lãnh đạn” vì bỡn cợt với bạn của vợ, đã biết tự rút kinh nghiệm, giữ khoảng cách mỗi khi gặp gỡ.
Quang Nhật chia sẻ: “Mình không quá suồng sã nhưng cởi mở, thân tình trong những lần gặp gỡ, khiến các người bạn của vợ cũng cảm thấy thoải mái khi trò chuyện. Việc kết bạn với bạn của vợ rất có lợi, bởi nhóm bạn đó đi đâu chơi, cả hai vợ chồng đều có thể tham gia rất vui. Tuy nhiên, tôi cũng phải tự biết giữ khoảng cách cần thiết với những cô bạn của vợ, vì không khéo, rất dễ bị “đánh giá hạnh kiểm”.
Thực tế, nếu vợ là người có nhiều bạn bè thì âu cũng là niềm hạnh phúc. Bởi khi đó, người chồng đã được nhiều người khác “giúp việc” bồi đắp niềm vui cho bà xã. Vợ mà được đi gặp gỡ, giao lưu nhiều với bè bạn, thể nào cũng về nhà với khuôn mặt tươi rói. Nhưng đổi lại, vợ mà có nhiều bạn thì người chồng cũng phải vất vả “đầu tư” cho hợp lý trong cách ứng xử. Nếu người chồng điều chỉnh được mối quan hệ để giữ được thể diện cho vợ, tạo được sự tin tưởng lẫn nhau, tin tưởng bạn bè thì chuyện vợ có bạn không còn “nguy hiểm” nữa.
PNO