Từ “Messiah” (đức Jesus, con của Thiên chúa trong xác tín Thiên chúa giáo) đến “Mess” (tình trạng hỗn loạn) không cần phải mất đến một năm để tất cả có thể nhận ra, hay bớt vài chữ cái trong những từ rất giống tên anh. Messi là cầu thủ hay nhất thế giới bây giờ, nhưng chỉ là khi anh khoác trên mình chiếc áo của Barcelona.
Messi không có ở đó, hoặc đúng ra, cái tên trên áo của anh có tồn tại. Cả lần này cũng thế. Đúng ra là Lionel Messi có thi đấu trên sân trong trận gặp Bolivia, có chạm bóng, có thực hiện một số pha bóng đúng đẳng cấp của anh mà người ta đã chứng kiến bấy lâu nay. Nhưng rồi sau đó anh biến mất, không tham gia trong bất cứ tình huống có ý nghĩa quyết định nào hết. Người ta khắc khoải chờ đợi không phải những pha phô diễn kĩ thuật xuất chúng của anh, điều họ đã thấy từ lâu, mà những bàn thắng đẳng cấp như anh luôn làm với Barcelona. Điều đó không xảy ra, như đã từng không xảy ra ở World Cup mà người ta chờ đợi anh nhiều nhất và hy vọng anh sẽ khoác lên mình tầm vóc khổng lồ của Maradona.
Argentina cần một Messi khác - Ảnh Getty
Có một lời nguyền nào đó dành riêng cho anh, khi cầu thủ xuất sắc nhất thế giới một cách không cần phải bàn cãi, điều có thể bắt Hegel phải viết thêm vài điều về cái đẹp trong cuốn Mỹ học của ông nếu ông sống lại, khoác lên mình chiếc áo của đội tuyển quốc gia thì những phép nhiệm màu của anh tan biến mất? Không ai biết, nhưng Messi đã 24 tuổi và đã 5 năm, nghĩa là nửa thập kỉ, trôi qua kể từ ngày đầu tiên anh đá cho đội tuyển Argentina, nhưng những dấu ấn của anh rất mờ nhạt. Tại World Cup Nam Phi 2010, anh đá cả 5 trận cùng Argentina và không ghi nổi một bàn thắng.
Trước đó, ở vòng loại khu vực Nam Mỹ mà Argentina đã trải qua biết bao sóng gió, Messi cũng chỉ ghi được 4 bàn. Mọi chuyện tệ đến thế sao? Phải, ít nhất là trên lĩnh vực thống kê. Để đạt được hiệu suất trung bình 0,45 bàn/trận cho Argentina, phải tính thêm cả những bàn anh đã ghi ở các trận giao hữu. Không có những trận giao hữu, hiệu suất thấp hơn rất nhiều. Và nữa, những so sánh với Diego huyền thoại thực ra không có nhiều ý nghĩa: ở tuổi của anh, Maradona chưa giành được những danh hiệu cá nhân lớn, chưa VĐTG cùng Argentina (anh chỉ làm được điều ấy 2 năm sau đó, ở tuổi 26, tại Mexico), nhưng anh đã là Maradona, là vị vua bóng đá của Argentina. Ngược lại, Messi, với 3 chức vô địch Champions League, chỉ là một ông vua ở Barcelona.
Từ nhiều năm nay, Argentina kiếm tìm một giải pháp cho tình trạng trên. Người ta thay đổi chiến thuật, lối chơi và con người để giúp Messi bùng cháy như đã luôn thế ở Camp Nou. Sự thật là ở Barcelona, cả một tập thể chơi bóng cho Messi, cùng Messi và những người mớm bóng cho anh, tạo cảm hứng và khoảng chống cho anh lập công là Xavi và Iniesta, những tiền vệ hay nhất thế giới. Nhưng đội Argentina đâu phải là tập hợp của những gã khờ. Những người chơi xung quanh Messi đều đang đá cho những đội bóng hàng đầu châu Âu (nghĩa là hàng đầu thế giới). Nhưng trong 2 năm qua, Maradona đã làm dấu thánh nhiều lần trước khi đưa ra một đội hình thi đấu với những tính toán nhân sự và chiến thuật hỗ trợ cho Messi. Bây giờ, đến lượt đồng đội cũ của “Thánh Diego”, Batista, đau đầu với bài toán tương tự.
Trước giải, tay HLV này đã từng hứa với công luận (và cả Messi), rằng ông sẽ xây dựng cho anh một đội hình mạnh và cho phép anh tự do được làm những gì anh muốn. Không một tờ báo nào trên thế giới không viết rằng đây sẽ là “Copa của Messi”. Giải đấu lại được tổ chức ở quê hương anh, Argentina, với một đội tuyển đã không hề giành được một chiếc Cúp châu lục nào ở giải này kể từ năm 1993. Con đường đến Copa lần này có khó khăn lắm không? Trên lí thuyết là không, bởi ngoài Brazil và Uruguay, Argentina không có những đối thủ quá nặng cân. Argentina cũng có trong tay một đội hình mạnh nhất, và Messi là người xuất sắc nhất trong cái đội hình đáng thèm khát ấy. Chiếc Cúp đang ở trên giá, chỉ cần với tay là chạm được nó. Nhưng…
Trên một số diễn đàn CĐV Argentina, người ta phàn nàn rằng: “Chẳng ai trong đội tuyển lại không hát được quốc ca, trừ Messi, không hát nổi một câu nào”. Dễ hiểu là Messi đang hứng chịu những lời tố cáo hết sức xưa cũ, rằng anh quá ít chất Argentina. Có gì ngạc nhiên đâu, chỉ cần nhìn vào lí lịch của anh là biết ngay: khi Messi 11 tuổi, bố mẹ đã đưa anh sang Tây Ban Nha và anh sống tại đó cho đến giờ. Nhưng nói Messi không còn mấy chất Argentina nữa không phải là cách hợp lí nhất để giải thích tình trạng Messi-tắt-điện-với-Argentina. Vấn đề ấy có lẽ chỉ mình Messi mới có thể trả lời được, khi mà sức ép từ bản thân anh và sức ép từ những người hâm mộ không chỉ ở Argentina mà cả thế giới đang tăng lên từng ngày từng giờ.
Chờ đợi Messi ở trận đấu với Colombia sau đây một ngày. Nếu không....
17 Messi đã ghi 17 bàn cho Argentina trong 58 trận đấu chính thức (trung bình 0,29 bàn/trận). Trong 5 trận World Cup 2010, anh không ghi nổi bàn nào.
53 Trong mùa bóng vừa kết thúc, sau 55 trận đấu ở Champions League và Liga (mà anh và Barcelona đều chiến thắng), Messi đã ghi được 53 bàn thắng (trung bình 0,97 bàn/trận).
TT&VH