Đã 3 năm kể từ khi Thaksin Shinawatra rời bỏ vùng Eastland vì ngập chìm trong khủng hoảng tài chính, Man City giờ đây đã có thể coi như hoàn tất quá trình “hóa rồng”, với cái giá phải trả tương ứng 915 nghìn bảng/ngày. Tỷ phú Sheikh Mansour đã mua lại cổ phần của cựu thủ tướng Thái Lan với giá 210 triệu bảng, tiếp đến đổ 433 triệu bảng vào quỹ chuyển nhượng và cuối cùng là ký tờ hóa đơn trị giá 360 triệu bảng để chi trả lương thưởng kể từ mùa Hè 2008. Tổng cộng, tỷ phú Ả-rập này đã đầu tư 1,003 tỷ bảng vào đội bóng thành Manchester.
Man City đang hóa rồng - Ảnh Getty
“Đó là một ngày tuyệt vời”, Bernard Halford, thư ký của Man City vào thời điểm tiếp quản, nhớ lại, “Chúng tôi ký hợp đồng với Robinho chỉ vài phút sau đó và khi mọi chuyện hoàn tất vào 10 giờ tối, tất cả CĐV ở bên ngoài lái xe và ca hát xung quang sân vận động”. Sheikh Mansour đã đánh dấu sự xuất hiện một cách ấn tượng như thế. Ít lâu sau khi M.U mua Berbatov từ Tottenham với giá kỷ lục 30,75 triệu bảng, tập đoàn Abu Dhabi tuyên bố có được chữ ký của Robinho với mức phí 32,5 triệu bảng.
3 năm sau, Man City đang cùng M.U đứng trên đỉnh Premier League và chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu đầu tiên tại đấu trường Champions League. Sau trận thua đau đớn 1-5 trên sân nhà, HLV Harry Redknapp của Tottenham cho rằng Man City chỉ còn kém mỗi Barcelona về số lượng ngôi sao trong đội hình. Phía bên kia thành Manchester, các fan M.U bắt buộc phải thừa nhận sức mạnh của đại kình địch và đặt biệt danh mới cho đối thủ truyền kiếp là “Galacticos vùng Gorton” - khu vực xung quanh SVĐ Etihad. Arsene Wenger của Arsenal và ông chủ John W Henry của Liverpool thì quay sang than phiền về khoản tài trợ 400 triệu bảng với hãng hàng không Etihad. Trong khi chủ tịch Karl-Heinz Rummenigge của Bayern Munich khẳng định Man City sẽ thực hiện một thủ thuật để lách Luật công bằng tài chính từ UEFA.
Đội bóng vùng Eastland đang ngày càng trở nên quen thuộc với cái nhìn xoi mói và đầy ghen tị như vậy từ sau lưng. Trong quá khứ, Sir Alex dùng từ “nực cười” để chế giễu tham vọng của CLB cùng thành phố. Hiện tại, ông gọi nó là “mối đe dọa”. Thương vụ Nasri có thể coi là một thất bại của đội chủ sân Old Trafford, đặc biệt sau màn trình diễn của anh hôm Chủ nhật. M.U đã cố gắng tiếp cận cầu thủ người Pháp với giá 20 triệu bảng hồi tháng 6. Nhưng Nasri đã quay mặt với chiếc áo đỏ để khoác lên mình màu xanh.
Nhờ tiền của Mansour, HLV Roberto Mancini đang lắp ráp một đội hình toàn sao có thể đối đầu với bất cứ đội bóng châu Âu nào, kể cả nhà ĐKVĐ Barcelona. Dzeko, người vừa ghi 4 bàn thắng tại White Hart Lane, nhấn mạnh mọi người không nên nhìn Man City ở khía cạnh tiền bạc nữa. “Tất cả chỉ nói về việc City đã tiêu bao nhiều tiền”, tiền đạo trị giá 27 triệu bảng từ Wolfsburg nói, “Dĩ nhiên chúng tôi cần chi tiêu như mọi đội bóng khác. Nhưng điều tuyệt vời là cách chúng tôi đang chơi bóng và giành chiến thắng. Đó là điều đã được thể hiện trước Spurs”.
Trong năm đầu tiên của đế chế, Mansour bỏ ra cho Mark Hughes trung bình 10 triệu bảng mỗi tuần. Phần lớn số tiền khổng lồ này được dùng để cải tạo và nâng cấp cơ sở vật chất. Một SVĐ với thiết kế sang trọng đã ra đời. Ngày nay, hàng loạt tay tài xế limousine được ký hợp đồng để đưa các cầu thủ triệu phú Man City di chuyển từ khách sạn đến trại tập huấn. Khác với đa số chủ sở hữu, tỷ phú Ả-rập này không mấy đếm xỉa đến việc tăng cường PR cho tập đoàn dầu lửa Abu Dhabi. Lần gần đây nhất Mansour đích thân ngồi trên khán đài là tháng 8 năm ngoái, trong chiến thắng 3-0 trước Liverpool trên sân nhà. Nhưng điều đó chẳng phải là vấn đề. Quan trọng là vị tỷ phú này vẫn có cách bơm tiền để duy trì nguồn sống của Man City.
915 Trong 3 năm qua dưới triều đại Sheikh Mansour, Man City trung bình mỗi ngày tiêu gần 1 triệu bảng, chính xác là 915 nghìn bảng.
433 Với 6 kỳ chuyển nhượng trong vòng 3 năm, Man City đã tiêu hết 433 triệu bảng để mua hàng loạt ngôi sao. Robinho là chữ ký đầu tiên, có giá 32,5 triệu bảng.
38 Bản hợp đồng kỷ lục của Man City là Sergio Aguero, sau vụ chuyển nhượng trị giá 38 triệu bảng từ Atletico Madrid ở mùa Hè này.
TT&VH