Dù sếp có tài giỏi đến đâu cũng không tránh khỏi những phút sai lầm. Lúc này, mọi phản hồi, đóng góp hữu ích từ phía nhân viên sẽ giúp sếp giải tỏa bớt căng thẳng, hoàn thành công việc tốt hơn. Nhiều người sợ làm sếp phật ý, ảnh hưởng đến lợi ích cá nhân nên chẳng bao giờ dám bày tỏ chính kiến.
Những vị sếp tài năng luôn khuyến khích nhân viên phản hồi, góp ý, kể cả là ý kiến phê bình - (Ảnh minh họa)
Thực tế, những vị sếp có tài luôn đánh giá cao những nhân viên có tinh thần xây dựng, dám thẳng thắn bày tỏ quan điểm, nhất là khi thấy sếp sai lầm. Tuy nhiên, muốn góp ý với sếp thành công, bạn nên tham khảo những gợi ý sau:
- Chắc chắn sếp muốn nghe
Một vị sếp thực sự tài năng là người luôn mong muốn, thậm chí khuyến khích nhân viên có những phản hồi, góp ý hữu ích, ngay cả khi đó là những ý kiến không dễ tiếp nhận. Một vị sếp mới nhận công tác sẽ cảm thấy hơi lo lắng vị trí của họ bị lung lay nếu bạn có những thông tin phản hồi không mấy tích cực, họ coi đó là sự chỉ trích - dấu hiệu chẳng lấy gì làm tốt đẹp cho con đường sự nghiệp của họ. Bởi vậy, khi bạn đưa ra ý kiến, bạn nên có sự đánh giá đúng về sếp của mình. Bạn có thể dựa vào mối quan hệ giữa sếp với mọi người, cách sếp cư xử với nhân viên, tâm trạng của sếp hoặc xem họ có đang bận rộn việc gì khác không... để biết cách góp ý cho đúng lúc.
Hơn nữa, từ cách cư xử, tác phong hằng ngày của sếp, bạn sẽ xác định đúng sếp thuộc loại người nào. Nếu sếp luôn lắng nghe ý kiến của nhân viên, bạn không cần quá lo lắng mà chỉ nên tìm hiểu vấn để và "gỡ rối" cho sếp. Ngược lại, với những vị sếp bảo thủ, luôn đặt mình lên đầu thiên hạ thì dù có nói cũng chỉ như nước đổ lá khoai mà thôi.
- Trao đổi tế nhị
Điều này phụ thuộc vào văn hóa công ty bạn. Nhiều công ty tôn trọng chính sách mở, cho nhân viên thoải mái góp ý với sếp, kể cả phản hồi gay gắt ngay trước mặt những nhân viên khác để tất cả cùng đánh giá, rút kinh nghiệm và học tập.
Nên thảo luận, trao đổi riêng với sếp về những góp ý của bạn - (Ảnh minh họa)
Thế nhưng, nếu văn phòng của bạn ở gần những công ty khác nữa, đặc biệt trong số đó còn có cả khách hàng, tốt nhất là đừng làm sếp mất mặt. Hãy để sếp biết rằng bạn muốn trao đổi riêng với sếp về một vấn đề quan trọng và buổi thảo luận đó nên được tiến hành trong phòng họp hoặc phòng riêng của sếp chứ không phải oang oang trước mặt bàn dân thiên hạ bởi như thế chẳng khác nào "vạch áo cho người xem lưng".
- Đánh giá phản ứng của sếp
Khi đã tự tin với ý kiến của mình, bạn nên trình bày có sự nhấn lướt rõ ràng để sếp dễ định hình sự việc. Những thông tin phản hồi trực tiếp và chính xác nhất đối với thông điệp bạn đưa đến chính là ngôn ngữ cơ thể của sếp, từ ánh mắt, cách nhìn, nụ cười cho đến động tác tay chân... Nhờ ngôn ngữ phi giao tiếp bạn có thể dò xét được thái độ của sếp hoặc nếu cần, thỉnh thoảng có thể dừng lại để hỏi xem "điều tôi vừa nói liệu có ý nghĩa gì với bạn không". Quan sát thái độ của sếp lúc đó, bạn sẽ biết điều gì nên nói và điều gì nên dừng lại.
Theo Women24/Bưu Điện Việt Nam